Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:49
RSS

Trịnh Xuân Thanh bị bắt, các nút thắt của vụ án sẽ được tháo gỡ?

Thứ ba, 01/08/2017, 10:15 (GMT+7)

Sau gần 10 tháng truy nã, Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú tại Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an.

Ngày 31/7, Bộ Công an cho biết nghi can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú tại trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra, sau gần một năm trốn lệnh truy nã quốc tế

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh vào ngày 16/9.

Trịnh Xuân Thanh đầu thúTrịnh Xuân Thanh đầu thú. Ảnh Dân Việt

Cơ quan công an xác định Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài theo con đường tiểu ngạch nên đã ban hành quyết định truy nã quốc tế.

Vì sao Trịnh Xuân Thanh lại bị truy nã?

Trịnh Xuân Thanh đã bị Bộ Công an khởi tố về tội tham ô và cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do liên quan trách nhiệm về hàng loạt sai phạm xảy ra ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và vụ án mua bán đất ở khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội).

Ông Thanh đã có 6 năm làm công tác tại PVC với các chức danh như Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT tập đoàn. Sau đó, vào năm 2013, ông Thanh được làm Phó chánh văn phòng Bộ Công Thương sau đó thăng chức lên Vụ trưởng, Trưởng ban đổi mới tại Bộ Công Thương rồi Vụ trưởng, chánh văn phòng Ban cán sự Đảng, Bộ Công Thương.

Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú. Nguồn Truyền Hình Thông Tấn

Năm 2015, ông Thanh được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và năm 2016 trúng cử Đại biểu Quốc hội.

Những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh chỉ được phát giác khi tháng 6/2016, báo chí thông tin việc ông được đưa đón bằng siêu xe Lexus LX570 giá 5 tỷ đồng nhưng lại gắn biển xanh. Từ đó, những việc làm liên quan đến PVC thua lỗ cũng như quá trình thăng tiến nhanh chóng của ông Thanh cũng được "bóc trần".

Vào tháng 9/2016, C46 đã quyết định khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC.

Được biết, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và điều tra ban đầu, nhóm cán bộ chủ chốt của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát và làm trái các quy định nhà về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013).

Vào ngày 8/9/2016, Ban Bí thư đã quyết định khai trừ ông Thanh ra khỏi Đảng và 16/9/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến Hậu Giang thi hành quyết định khai trừ Đảng, tuy nhiên ông Thanh vắng mặt. Tối cùng ngày, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế.

Trước khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam đối với 10 bị can nguyên là cán bộ của PVC. 10 bị khởi tố về các tội danh cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế và tham ô tài sản...

Việc ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú cũng là một trong những nút thắt quan trọng giúp tháo gỡ các nút thắc khác cho quá trình điều tra vụ án ở Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tiến triển tốt và nhanh hơn.

Mai An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN