Đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên đã giám sát vụ phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 xuyên qua không phận Nhật Bản sáng sớm 29/8. Động thái của Triều Tiên đã khiến nhiều người dân Nhật Bản lo sợ.
Tokyo đã ban hành cảnh báo người dân ở Hokkaido nhanh chóng trú ẩn trong trong "những tòa nhà vững chắc hoặc các tầng hầm".
Tên lửa Triều Tiên phóng đi từ một địa điểm ở Sunan, gần thủ đô Bình Nhưỡng, bay được khoảng 2.700 km, xuyên qua không phận đảo Hokkaido, trước khi vỡ thành 3 mảnh và rơi xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông Nhật Bản.
Mặc dù tên lửa bị vỡ nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố, tên lửa là lời cảnh báo dành cho Mỹ và Hàn Quốc vì các cuộc "tập trận khiêu khích" của 2 nước này.
Sau đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 30/8 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa kêu gọi tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa mới vào Thái Bình Dương. Lời kêu gọi trên được đưa ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo được thiết kế để mang một lượng chất nổ hạt nhân lần đầu tiên bay qua Nhật Bản.
KCNA cho biết ông Kim bày tỏ "rất hài lòng" với việc phóng tên lửa nói trên, gọi đây là một "khúc dạo đầu có ý nghĩa" nhằm kiềm chế đảo Guam - một vùng lãnh thổ Thái Bình Dương, nơi có một căn cứ quân sự của Mỹ. Ông cũng cho biết thêm rằng Triều Tiên sẽ quan sát "cách hành xử của Mỹ" trước khi đưa ra các hành động tiếp theo.
Ông khẳng định rằng vụ phóng thử vừa qua là hoạt động quân sự của Triều Tiên ở Thái Bình Dương và nhấn mạnh "cần tích cực thúc đẩy các nỗ lực nhằm biến sức mạnh chiến lược này thành một nền tảng hiện đại bằng cách tiến hành thêm nhiều cuộc diễn tập phóng tên lửa đạn đạo với mục tiêu là Thái Bình Dương trong tương lai".
Tháng 8 này, Triều Tiên đã đe dọa phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 về phía Guam. Tuy nhiên, tình hình đã phần nào hạ nhiệt sau khi Triều Tiên tuyên bố hoãn phóng tên lửa về phía Guam để theo dõi thêm động thái của Mỹ.
Mặc dù vậy, các cuộc thử tên lửa mới đây của Triều Tiên vẫn giáng một đòn mạnh vào các hy vọng của Seoul và Washington về việc Triều Tiên sẽ kiềm chế, không thử vũ khí nữa, để dọn đường cho khả năng đối thoại giữa các bên.
Cuộc thử tên lửa mới này thách thức trực diện Tổng thống Mỹ Donald Trump vì trước đó ông Trump và Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đều tin tưởng tuyên bố rằng Triều Tiên đã bắt đầu nhượng bộ, kiềm chế, và có thể đối thoại được với Mỹ. Nhưng những gì diễn ra chỉ vài ngày sau các tuyên bố đó cho thấy tinh thần lạc quan trên dường như là quá sớm.
Những động thái của Bắc Triều Tiên và Mỹ. Nguồn: VTC1