Thứ sáu, 29/03/2024 | 12:06
RSS

Trẻ sơ sinh không biết hóng chuyện và giật mình nguy hiểm thế nào?

Chủ nhật, 30/12/2018, 16:50 (GMT+7)

Nhiều trường hợp trẻ sơ sinh không biết hóng chuyện, không biết giật mình. Đây là những trường hợp trẻ bị điếc bẩm sinh. Chính vì vậy, cha mẹ chỉ cần chú ý phản ứng của con giai đoạn 1 – 6 tháng để phát hiện sớm.

Trẻ sơ sinh không 'biết' hóng chuyện, giật mình nguy hiểm đến thế nào?
Trẻ sơ sinh không 'biết' hóng chuyện, giật mình nguy hiểm đến thế nào?

Con bị điếc bẩm sinh vì mẹ mắc rubella thai kỳ

Bé Nguyễn Thảo B. (5 tuổi, Bắc Giang) bị câm điếc bẩm sinh. Gia đình đã cho bé đi học ở trường câm điếc nhưng mỗi lần thấy con thiệt thòi, cố gắng giao tiếp bằng những cử chỉ tay, mắt mẹ bé lại xót xa.

Mẹ bé Thảo B. tâm sự bé bị điếc do trong thời gian mang thai bị nhiễm rubella ở tháng thứ 2. Khi sinh ra bé bình thường, khoẻ mạnh nhưng đến tháng thứ 3, 4 không thấy con hóng chuyện như những đứa trẻ khác, bé không có phản ứng với âm thanh. Đến lúc bé được 6 tháng, mọi tiếng ồn bé đều không có phản ứng. Nếu với đứa trẻ khi có tiếng ồn nó sẽ giật mình hay sợ khóc còn Thảo B. thì không có dấu hiệu này. Lúc đó, gia đình đưa bé đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ kiểm tra thính lực bé bị điếc hoàn toàn do biến chứng từ rubella lúc mẹ mang thai bé.

Mặc dù từ năm 1 tuổi đến nay, bệnh nhi đã đeo máy trợ thính nhưng không hiệu quả nên cháu nói rất khó khăn.

Thống kê từ các bệnh viện phụ sản tại Việt Nam cũng cho thấy, cứ từ 25 đến 50 trẻ trong nhóm nguy cơ cao thì có 1 trẻ bị điếc. Nguyên nhân thường do mẹ sử dụng thuốc trong thai kỳ; mẹ nhiễm siêu vi trùng trong ba tháng đầu mang thai, đặc biệt là vi rút Rubella; đẻ non; nhiễm độc thai nghén; số khác do dị dạng bẩm sinh từ gen hoặc di truyền...

Giai đoạn vàng giúp trẻ điếc bẩm sinh có thể nghe nói

Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện An Việt, nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) để nhận biết sớm trẻ có bị câm điếc bẩm sinh không, cha mẹ chú ý khi trẻ trong giai đoạn sơ sinh không có phản ứng với âm thanh như giật mình khi ngủ, không hóng chuyện.

Trẻ lớn hơn phải biết chú ý, nhìn, quay đầu theo hướng phát âm của các dụng cụ như lục lạc, chuông. Khi nghe các âm quá to như tiếng sấm, còi ô tô... trẻ sẽ giật mình, thức giấc hoặc khóc, nhưng trẻ khiếm thính sẽ không có các phản xạ này. Trong trường hợp này, cha mẹ cần cho trẻ đi sàng lọc thính lực để phát hiện và có phương pháp can thiệp sớm giúp trẻ có thể hoà nhập với cộng đồng.

Trẻ em bị điếc sâu bẩm sinh nếu được cấy ghép ốc tai điện tử ngay từ khi còn nhỏ (trước 2 tuổi) có thể học nghe, nói, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ theo đúng lứa tuổi, muộn nhất là khoảng 5-6 tuổi, vì đây là thời gian mà trung tâm thính giác ở vỏ não phát triển mạnh nhất giúp cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Nếu cấy càng muộn, hiệu quả càng kém và người bệnh sẽ mất nhiều thời gian để huấn luyện ngôn ngữ. 

PGS An cho biết nhiều bé được cấy điện cực ốc tai xong bé đi học, sau 1 năm bé có thể đọc được cả tiếng Anh, tiếng Việt. Khi bé bị câm điếc bẩm sinh, cấy điện cực ốc tai bé có đủ điều kiện để học những trường học chính quy bình thường, hoàn toàn có thể thành công với việc học tập, làm việc và giao tiếp xã hội khi lớn lên. 67% trẻ em cấy ốc tai điện tử trước 2 tuổi làm được điều này. Cấy điện cực ốc tai giúp những trẻ câm điếc bẩm sinh thoát khỏi tàn tật, giảm gánh nặng cho xã hội, đem lại cuộc đời mới cho người bệnh và gia đình của họ.

Bệnh nhi sau khi cấy ốc tai điện tử sẽ phải trải qua thời gian phục hồi chức năng nghe nói và tỷ lệ nghe nói của trẻ sau cấy ốc tai điện tử là 100%. Do đó, việc phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ mang lại cho bệnh nhân cơ hội lớn trong việc phục hồi khả năng nghe, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, hòa nhập cộng đồng và giảm gánh nặng cho bản thân trẻ, gia đình và xã hội.


Xem thêm: Bác sĩ dạy cách vệ sinh mũi tại nhà đúng chuẩn để cả năm bé không bị bệnh hô hấp

Khánh Ngọc
Theo Đời sống Plus/GĐVN