Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:34
RSS

Chuyên gia y tế cảnh báo: Trẻ có nguy cơ mắc bệnh răng miệng, viêm tai giữa do ngậm ti giả

Thứ tư, 22/02/2017, 20:43 (GMT+7)

Cho trẻ ngậm núm vú giả khi còn nhỏ hoặc ngậm miếng gặm nướu khi mọc răng sẽ khiến trẻ có nguy cơ rối loạn nội tiết, mắc bệnh răng miệng hoặc viêm tai giữa.

Từ lâu, núm vú giả đã trở thành “trợ thủ” đắc lực của chị Mai Hương (Q.9, TP. Hồ Chí Minh) trong việc dỗ con khóc. Cũng không có ý định cho con mút núm vú giả, nhưng khi sinh, được một người bạn tặng nên những lúc bé khóc chị hay cho bé sử dụng, dần thành thói quen không thể bỏ.

Ban đầu chị cũng e ngại, nhưng núm vú giả quả là mang lại nhiều tác dụng hơn chị tưởng. Chỉ cần ngậm nó, bé sẽ chơi một mình mà không khóc. Thế nên, mỗi khi đi vắng, để con không quấy khóc, chị thường dặn bà ngoại cho bé dùng núm vú giả.

Tuy nhiên, từ khi nghiện cái đồ giả này, bé ít ti mẹ hơn hẳn khiến chị nhiều lúc phải vắt sữa đi vì ngực căng, tức.

Không cho bé ngậm ti giả, nhưng chị Hoài (Hoàng Mai, Hà Nội) lại gặp rắc rối khi chót cho bé ngậm miếng gặm nướu. Chị chia sẻ: “Bé nhà mình được gần một tuổi, đang mọc răng nên rất ngứa lợi. Mỗi lần cho bé bú là mình lại đau điếng người vì bé cắn.

Nghe các mẹ trên mạng mách nước mua miếng gặm nướu cho bé ngậm, mình cũng thử mua về, nhưng từ khi có “bạn”, bé không chịu ăn, không chịu ti mẹ nữa. Mình cố dằng ra thì bé không chịu và khóc toáng lên. Cuối cùng, mình đành phải trả lại cho bé nín”.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Trao đổi với phóng viên báo sức khỏe đời sống về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Cho trẻ ngậm núm vú giả, miếng rướu răng là một thói quen không tốt của các mẹ. Các mẹ thấy bé mút tay thì nghiêm cấm, nhưng mút núm vú giả thì lại thấy bình thường mà không biết rằng nó mang đến quá nhiều tác hại cho bé sau này.”Nguy cơ mắc bệnh răng miệng, viêm tai giữa

Theo bác sĩ Dũng, những thứ này chỉ có tác dụng nhất thời, giúp trẻ không khóc hay chơi ngoan nhưng đằng sau tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe của bé. Việc bé thường xuyên mút núm vù giả, ngậm miếng gặm nướu lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển tự nhiên của răng và hàm. Không chỉ vậy, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, những dụng cụ này sẽ là các ổ chứa vi khuẩn, là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa. Việc bạn không thường xuyên kiểm tra núm vú, không kịp thời phát hiện những dấu hiệu nứt, đứt cũng khiến bé gặp nhiều nguy hiểm nếu không may nuốt phải.

Một hệ lụy rõ ràng nữa mà ai cũng có thể nhìn thấy đó là khi đã quen với núm vú giả, trẻ sẽ không thiết tha với ti mẹ nữa, đồng thời hình thành thói quen sẵn sàng cho bất cứ vật gì nhặt được vào mồm, rất mất vệ sinh và có hại cho sức khỏe.

Vẫn theo bác sĩ Dũng: “Nhiều khảo sát, điều tra thì những bé hay mút núm vú giả thường mắc bệnh răng miệng, có nguy cơ cao viêm tai giữa”. Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng này, tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó có thể là do sự thay đổi áp suất giữa tai và họng

Mang hóa chất độc hại vào cơ thể trẻ

Bạn đã vô tình mang hóa chất vào cơ thể bé. Ảnh minh họa

Không chỉ gây ra những tác hại ngay lập tức cho sức khỏe của trẻ, núm vú giả hay miếng gặm nướu còn chứa nhiều chất hóa học có hại cho cơ thể. Theo kết quả của một nghiên cứu mới trên tạp chí khoa học Journal of Applied Toxicology, miếng gặm nướu chứa nhiều độc tố gây rối loạn nội tiết (Endocrine disrupting chemicals - EDCs) và propylparaben (thuộc họ paraben). Đây là những hóa chất được sử dụng trong Mỹ phẩm và là nguyên nhân gây rối loạn hormone, ảnh hưởng không tốt tới trẻ.

Tiến sĩ Martin Wagner, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết "Ở các nước EU, parabens bị cấm sử dụng để sản xuất đồ hóa mỹ phẩm cho trẻ. Việc sử dụng những hóa chất này để sản xuất miếng gặm nướu của trẻ là điều không thể chấp nhận được”. Và việc tìm ra parabens cũng như EDCs trong các miếng gặm nướu bằng nhựa thực sự đã khiến các chuyên gia vị sốc.

Chính bởi những tác hại mà núm vú giả, miếng gặm nướu gây ra cho trẻ, bác sĩ Dũng khuyên các mẹ: “Đừng bao giờ cho con mút núm vú giả hay miếng gặm nướu, còn nếu lỡ cho bé sử dụng rồi thì nên cai càng sớm càng tốt, ngoài ra trong quá trình bé sử dụng hãy vệ sinh dụng cụ sạch sẽ để tránh vi khuẩn, bệnh tật.”

Giúp bé cai ti giả

Trẻ được 8 - 9 tháng là thời điểm thích hợp để cai ti giả do ở trẻ bắt đầu giảm nhu cầu mút. Như vậy, sau 6 tháng, bạn nên cho bé mút ti giả ít dần. Còn cố gắng dùng những biện pháp khác để dỗ lúc bé quấy. Sau 6 tháng, trẻ quan tâm nhiều hơn đến thế giới xung quanh nên bạn càng dễ đánh lạc sự chú ý của bé và hướng tới những sự vật, trò chơi mới.

Cách 1: Ti ơi, ti đâu rồi?

Bạn có thể giấu ti giả đi. Chẳng hạn, ngày nghỉ cho bé đi chơi ở nhà ngoại nhưng "quên" mất ti ở nhà. Bạn sẽ thoải mái hơn khi giải thích và đánh lạc hướng chú ý của bé.

Hoặc, bạn giúp bé tìm một 'người bạn ngủ' mới như ôm một chú gấu bông hoặc một cái chăn mê nhất.

Cách 2: Đục lỗ

Bạn có thể cắt một lỗ nhỏ trên ti giả, rồi mỗi ngày vết cắt lớn dần. Điều này làm cho bé tự nghĩ là 'em' ti đã hỏng và khi bé mút không 'phê' nữa sẽ tự động bỏ.

Cách 3: Thu hẹp dần thời gian cho bé ngậm ti

Thay vì để bé chạy quanh với ti giả trong miệng suốt cả ngày, hãy nói với con là bé chỉ được dùng nó vào giờ đi ngủ đêm và ngày.

Giải pháp thay thế núm vú giả, miếng gặm nướu:

- Cho bé gặm các loại rau củ rắn như cà rốt, khoai lang

- Tự chế miếng gỗ cho bé gặm mỗi khi ngứa răng, lợi

- Sử dụng những chiếc khăn mặt ướt cho bé ngậm cũng giúp làm dịu lợi và an toàn cho sức khỏe

 

An Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus