Triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người (Mystery of Human Body), do Công ty Mega Vina (đơn vị quảng bá và phát triển các nội dung chương trình Hàn Quốc tại VN) phối hợp với Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên từ ngày 21/6 - 31/12.
Theo ban tổ chức (BTC), triển lãm nhằm cung cấp kiến thức y học về cấu trúc và hoạt động sinh học bên trong cơ thể người. Các mẫu vật được triển lãm sẽ giúp người tham quan nhận thức được tác hại do bệnh tật và các chất độc hại đến từ thuốc lá, rượu bia và thói quen sinh hoạt không lành mạnh đến cơ thể con người.
Cũng theo BTC, triển lãm đã thu hút sự tham quan của hơn 40 triệu người trên 60 thành phố khắp thế giới BTC cho biết sẽ thiết kế những nội dung chương trình khác nhau dành cho từng nhóm khách tham quan như: học sinh, sinh viên, phụ nữ mang thai, nhóm gia đình, nhóm bạn trẻ… và những người nghiên cứu học thuật chuyên ngành y.
Tuy nhiên, một điều kỳ lạ là các hướng dẫn viên tại buổi triển lãm đều không rõ nguồn gốc của những thi thể này và cho rằng đó là điều bí mật không được phép tiết lộ. Bản thân họ phỏng đoán đây là có lẽ là thi thể của người Hàn Quốc hiến tặng vì công ty tổ chức là công ty Hàn Quốc (?). Điều này làm dấy lên băn khoăn liên quan tới nguồn gốc của các thi thể người được nhựa hóa bên trong triển lãm…
Thanh Niên đã trao đổi với Mega Vina và cho biết các mẫu vật được trưng bày trong triển lãm là hợp pháp và không thể tiết lộ nguồn gốc của mẫu vật vì: “Những thông tin về tình trạng và bệnh lý của mẫu vật được xác nhận bởi viện giải phẫu và bệnh lý từng quốc gia của người tình nguyện hiến tạng.
Và trong các văn bản thỏa thuận hiến tạng tự nguyện, chúng tôi được yêu cầu bảo đảm nguyên tắc vô danh, tức là phải hoàn toàn bảo mật toàn bộ thông tin về danh tính, quốc tịch và nguyên nhân cái chết”. Mega Vina cũng cho biết: “Những mẫu triển lãm phôi thai, thai nhi là những mẫu hiến tặng khoa học với sự đồng ý của bố mẹ và gia đình”.
“Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể Người” trưng bày khoảng 137 mẫu vật cơ thể người thật, trong đó có 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người. Các mẫu vật này thực chất là các thi thể được nhựa hóa sử dụng công nghệ Plastination.
Một mô hình trong triển lãm khiến nhiều người bị ám ảnh.
Trong triển lãm cơ thể người, đặc biệt nhất là có sự xuất hiện của thai nhi, trẻ sơ sinh và mẫu vật toàn thân của một người phụ nữ mang thai 5 tháng, với phần bụng được mở ra để lộ phần thai nhi bên trong, theo Thời Đại.
Ngoài ra xung quanh là các dãy bàn trưng bày thi thể các phôi thai từ 1 đến 7 tuần tuổi và các thai nhi từ 3 đến 9 tháng. Thậm chí cả những trẻ sơ sinh bị dị tật trong quá trình mang thai như không có não...
Nếu như hiểu rõ triễn lãm này là đang trưng bày thi thể thật của người đã khuất, liệu quan khách nói chung, cũng như các bậc phụ huynh cùng trẻ nhỏ nói riêng có nên suy nghĩ kỹ hơn trước khi quyết định đi xem triển lãm?
Theo Sở VH-TT TP. HCM, cấp phép triển lãm này vì nội dung triển lãm không sai phạm, mang ý nghĩa tốt, có tính cảnh báo về con người, ở góc độ người xem thì không có gì ghê rợn.
Trong khi đó, trao đổi với Thời Đại, chị Hà (Quận 3) cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi dẫn con xem những xác chết được trưng bày như thế này. Nhìn chung cũng sợ lắm, không chỉ mình tôi ám ảnh đâu, nhiều người cũng sợ hãi, đặc biệt là trẻ em".
Chị T. ngụ quận 7 chia sẻ với Báo Văn Hóa: “Xem xong triển lãm về đến nhà, tôi ám ảnh đến nỗi không ăn được gì”.
Trao đổi với Saostar, Họa sĩ, Nhà giáo nhân dân Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM thẳng thắn nhận định, xét về mỹ thuật, triển lãm không có giá trị gì về nghệ thuật, về tính giáo dục cũng không cần thiết.
Ông Nguyễn Trọng An (Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH)) trả lời báo Lao Động: “Đúng là việc hiến xác để phục vụ khoa học là 1 việc đáng trân trọng, nhưng chúng ta cần kịch liệt lên án những kẻ đem xác người (cho dù được hiến tặng hoặc không) để kinh doanh, phục vụ mục đích thương mại nhưng lại được che đậy dưới cụm từ là “Vì khoa học” như tuyên bố của Ban tổ chức triển lãm tại TP.HCM hoặc lấy lý do “Y khoa tại Việt Nam hiện nay vẫn phải chịu cảnh “học chay” vì thiếu cơ sở vật chất, đặc biệt là thi thể để nghiên cứu, thực hành”.