Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:02
RSS

Tranh cãi cây đại thụ sống lâu đời nhất trên thế giới, gần 5.500 năm tuổi

Thứ sáu, 03/06/2022, 15:00 (GMT+7)

Một số nhà khoa học tin rằng một cây bách cổ thụ ở Patagonian có thể hơn 5.000 năm tuổi, điều này sẽ khiến nó trở thành cây sống lâu đời nhất trên thế giới.

Cây bách cổ thụ này được đặt tên Alerce Milenario hay Gran Abuelo, có nghĩa là "ông cố", là một loài cây hạt trần có nguồn gốc từ Chile và Argentina.

Nó thuộc cùng một họ với Sequoias và Redwoods khổng lồ, và có thể đạt độ cao lên tới 45 mét (150ft).

Chúng phát triển với tốc độ chậm và được biết là sống hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm.

Tiến sĩ Jonathan Barichivich - một nhà khoa học môi trường người Chile làm việc tại Phòng thí nghiệm Khoa học Môi trường và Khí hậu ở Paris, gần đây đã đưa ra một nghiên cứu cho rằng cây đại thụ này là cây sống lâu đời nhất trên thế giới

Ông đã sử dụng kết hợp các mô hình máy tính và các phương pháp truyền thống để tính tuổi cây và cho rằng nó gần 5.500 năm tuổi.


Cây Alerce Milenario ở Chile.

Năm 2022, Barichivich dùng máy khoan lấy một phần lõi của Alerce Milenario để nghiên cứu. Từ phần lõi này, họ đếm thấy khoảng 2.400 vòng sinh trưởng.

Tuy nhiên, vì cây bách cổ thụ này có thân rất dày nên công cụ này thực sự không thể chạm tới lõi vì vậy không thể đếm chính xác các vòng tăng trưởng của nó.

Barichivich chuyển sang mô hình thống kê để xác định tuổi đầy đủ của Alerce Milenario. Mô hình này dựa trên các yếu tố như phần lõi của các cây bách khác và tác động của yếu tố môi trường cùng sai số.

Kết quả, mô hình này ước tính Alerce Milenario khoảng 5.484 năm tuổi với 80% khả năng cây đã sống hơn 5.000 năm.

Nếu được công nhận, Alerce Milenario có thể phá vỡ kỷ lục của cây đang sống lâu nhất hiện tại là Methuselah - một cây thông lông cứng ở phía đông California hiện khoảng 4.853 năm tuổi.

"Chúng tôi khá bất ngờ với kết quả, tôi đã nghĩ 'ông cố' chỉ khoảng 4.000 tuổi", Barichivich nói.

Mặc dù các nhà nghiên cứu về thời gian tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố của Barichivich vì không có số lượng vòng tăng trưởng đầy đủ, nhưng một số chuyên gia đã ủng hộ phương pháp của ông.

Ông Nathan Stephenson - nhà khoa học danh dự tại Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cho rằng nghiên cứu của Barichivich rất thú vị, tuy nhiên sẽ cần thêm một vài phương pháp kiểm tra chéo trước khi giới khoa học chính thức công nhận kỷ lục cho Alerce Milenario.

Một số nhà sinh vật học khác khó tính hơn. Theo họ, số vòng thân là tiêu chuẩn "vàng" để xác định độ tuổi của cây. "Chúng tôi thường yêu cầu mọi vòng phải được tính đầy đủ", tiến sĩ Ed Cook từ Đại học Columbia (Mỹ) khẳng định.

Nếu phân tích của Jonathan Barichivich được chứng minh là đúng, Alerce Milenario sẽ vượt qua Methuselah - một cây thông 4,853 tuổi ở California, với danh hiệu 'cây sống lâu đời nhất thế giới'. 

Tuệ An
Theo Giáo dục & Thời đại