TPHCM tăng 21.825 học sinh trong năm học 2022-2023.
Gần 600 phòng học cho năm học mới
Tại buổi Họp báo cung cấp thông tin về dịch covid-19 và các vấn đề kinh tế-xã hội trên địa bàn TPHCM chiều 11/8, ông Hồ Tấn Minh cho biết, năm học 2022-2023, TPHCM tăng 21.825 học sinh. Trong đó có 15.282 công lập và 6.543 ngoài công lập. Cụ thể ở khối mầm non tăng 6.587 học sinh, Tiểu học giảm 11.184 học sinh, THCS tăng 13.661 học sinh, THPT tăng 12.761 học sinh.
“Nhìn chung, số học sinh trong năm học 2022-2023 tăng nhiều ở cấp tiểu học, tập trung tại TP Thủ Đức và một số quận, huyện như: quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Do đây là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng cơ học cao”, ông Minh cho biết.
Ông Hồ Tấn Minh thông tin tại buổi họp báo.
Được biết, năm học 2021-2022, số học sinh không có hộ khẩu tại TPHCM là 343.894. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (cấp tiểu học), học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học.
Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách TP. Hiện nay địa bàn nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức có nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.
Dự kiến đến tháng 9/2022, TP tiếp tục đưa vào sử dụng 35 dự án với 575 phòng, tổng mức đầu tư hơn 1 tỉ 500 triệu đồng.
Cũng theo chia sẻ của ông Minh, TPHCM đã triển khai các Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT, 38/2021/TT-BGDĐT, 39/2021/TT-BGDĐT của Bộ giáo dục và Đào tạo đến các quận, huyện và TP Thủ Đức để xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm.
Đồng thời yêu cầu kiểm tra, rà soát thực trạng thiết bị dạy học hiện có để lập kế hoạch sửa chữa, thay thế, nâng cấp, mua sắm bổ sung những thiết bị cần thiết và đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học theo chương trình hiện hành đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 và tiếp tục đầu tư mua sắm bổ sung cho các cấp lớp theo lộ trình.
“Đến nay, cơ bản các trường có trang thiết bị theo quy định phục vụ dạy-học lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 và tiếp tục đầu tư theo lộ trình đảm bảo đủ số lượng theo danh mục quy định”, ông Minh chia sẻ.
Tuyển dụng hàng nghìn vị trí giáo viên
Cũng tại buổi họp báo ông Minh cho biết, nhu cầu tuyển dụng giáo viên năm học 2022-2023 của TPHCM là 5.241 người. Trong đó khối mầm non là 892, Tiểu học 2.355, THCS 1.698, THPT: 296 giáo viên.
“Sở GD&DT TPHCM sẽ tuyển cấp THPT, các cấp còn lại do quận, huyện, TP Thủ Đức và các đơn vị được phân cấp tuyển dụng”, ông Minh cho biết.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên các trường THPT thực hiện chương trình phổ thông 2018 đối với khối lớp 10. Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho đơn vị, Sở GD&ĐT TPHCM đã cử người tham gia báo cáo các chuyên đề liên quan đến công tác tuyển dụng nhằm lan tỏa nhu cầu tuyển dụng hằng năm của ngành theo lời mời từ các trường đại học.
TPHCM hiện tại đang thiếu hàng nghìn giáo viên ở các bậc học.
Đồng thời chỉ đạo hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc xây dựng kế hoạch nhân sự căn cứ theo định biên được phân bổ, theo định mức quy định và theo tình hình thực tế để làm cơ sở báo cáo nhu cầu về giải quyết chuyển công tác như tiếp nhận chuyển đến, chấp thuận giải quyết chuyển đi và về tuyển dụng mới viên chức.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT TPHCM cũng tổ chức tuyển dụng 2 đợt đối với các đơn vị chưa được phân cấp tuyển dụng: đợt 1 (hiện đang tổ chức đến vòng 2), đợt 2 dự kiến tổ chức từ tháng 10/2022- đây là thời gian sau khi các đơn vị đã ổn định số học sinh, số lớp và xác định chính xác về nhu cầu tuyển dụng.
“Riêng các đơn vị đã được phân cấp tuyển dụng và tự chủ tài chính thì tổ chức tuyển dụng theo khả năng và nhu cầu. Công khai nhu cầu tuyển dụng của tất cả các đơn vị bao gồm chưa được phân cấp và đã được phân cấp tuyển dụng trên trang thông tin về tuyển dụng của Sở GD&ĐT”, ông Minh cho biết.
Ngoài ra, đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển dụng như công nghệ tin học nói chung và vị trí giáo viên môn mới gồm Âm nhạc và Mỹ thuật nói riêng, Sở GD&ĐT TPHCM đã hướng dẫn tất cả các đơn vị trực thuộc chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn, với điều kiện đặt ra các trường hợp này phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với cấp học.