Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết một số F3 của nhóm truyền giáo đã dương tính SARS-CoV-2.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết, qua hơn 12 ngày, ổ dịch covid-19 ở quán bánh canh quận 3 không có phát sinh ca mới.
Đối với ổ dịch ở nhóm truyền giáo Phục Hưng phát hiện từ ngày 26/5, từ 3 trường hợp chỉ điểm ban đầu, đến nay đã lan rộng ra 22/24 quận huyện của thành phố. Bà vợ mục sư có triệu chứng rõ ràng từ ngày 13/5 nhưng không đi khám, tiếp tục tập trung họp nhóm sinh hoạt vào các ngày 16/5 và 23/5, đến khi phát hiện ca chỉ điểm ngày 26/5 đã qua hơn 10 ngày, đã đến 3-4 chu kỳ lây nhiễm.
Từ ổ dịch này đã phát sinh ra hàng loạt ổ dịch khác trong cộng đồng như khách sạn Sheraton xác định 8 trường hợp, 1 ca F0 lây cho 7F1 dương tính.
Chuỗi cà phê Trung Nguyên từ 1 ca F0 đã lây sang 6F1 và 11F2.
Trường mầm non Kid Town (quận 12) có 1 ca F0 lây ra 10F1 và 9F2, lây lan đến các tỉnh Long An, Bạc Liêu, Đồng Tháp.
Khu nhà trọ ở trong hẻm trên đường Dương Quảng Hàm, phường 15 quận Gò Vấp từ 1 ca F0 đã lây sang 7 ca F1, 6 ca F2 và xuất hiện 1 ca F3.
Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS (Tân Phú) có 23 ca, từ 1 ca F0 lây sang 9F1, 12F2 và 1 ca F3.
Đặc biệt, Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN (Tân Bình) có 300 nhân viên đã xuất hiện 45 trường hợp mắc Covid-19. "Phải nói rằng tính từ bà Loan (vợ mục sư) là ca bệnh đầu tiên thì chuỗi lây nhiễm đã thành chu kỳ F4", ông Bỉnh nhận định.
Trong ngày hôm nay, thành phố ghi nhận thêm 23 trường hợp nghi nhiễm mới. Tính từ ngày 26/5 đến nay, trung bình mỗi ngày thành phố có 50 ca nhiễm, đang tiếp tục truy tìm các thành viên của nhóm truyền giáo còn sót lại.
Ông Bỉnh cho biết, theo báo cáo của Sở Nội vụ, TP có 145 nhóm tôn giáo do phường quản lý, hiện nay chưa đánh giá được mức độ phát tán của ổ dịch này vì chưa xác định được các thành viên của nhóm truyền giáo này có liên quan đến các nhóm tôn giáo khác hay không.
"Như trường hợp đầu bếp khách sạn Sheraton sống tại Long An, hàng ngày đi về từ Long An – TP.HCM để làm việc, khi bị dương tính đã phát hiện người này có tham gia nhóm cùng 14 thành viên khác thường xuyên đi nhà thờ Tin lành ở Long An. Sáng nay Long An đã áp dụng chỉ thị 15 với địa bàn giáp ranh TP", ông Bỉnh cho biết.
Lấy mẫu xét nghiệm người lao động trong Khu công nghệ cao TP.HCM.
Trước sự lo ngại của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc ca bệnh xâm nhập vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, ông Bỉnh cho biết, đã có 3 khu công nghiệp xuất hiện ca dương tính từ nhóm truyền giáo này, tuy nhiên đến thời điểm này, thành phố đã quản lý được những ca lẻ tẻ trong các khu công nghiệp, đang khẩn trương mở rộng xét nghiệm tầm soát, chú trọng đến các khu ký túc xá công nhân, doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thành phố phải xét nghiệm tầm soát có trọng điểm, tính toán khu vực, quan trọng nhất là hỏi thăm sức khỏe y tế mọi người dân. Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia đang thử nghiệm triển khai robot gọi điện tự động, phân nhóm khu vực nguy hiểm, nếu phát hiện ai có triệu chứng, ngành ý tế sẽ chủ động đến tiếp cận, xét nghiệm.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin truyền thông phối hợp để hỗ trợ TP.HCM, tầm soát nhanh nhất có thể. "Nếu TP.HCM áp dụng thành công sẽ mở rộng ra thực hiện ở Long An. Tôi rất lo ngại tình hình ở Long An", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng luôn nhấn mạnh đến việc siết chặt quản lý công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Bài học từ Bắc Giang, Bắc Ninh cho thấy, nếu để bùng phát dịch trong khu công nghiệp, TP.HCM sẽ trở tay không kịp.
Cùng với việc quản lý công nhân, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TP.HCM phải chuẩn bị trước một bước. "Từ thực tế ở Bắc Giang, Bắc Ninh, tôi nói luôn là nếu dịch xảy ra trong khu công nghiệp, sẽ không có đội xét nghiệm nào làm xuể được. Vì thế phải tính đến việc hướng dẫn người lao động tự lấy dịch mũi, hầu họng, trước mắt có thể làm thử ở một nhóm nhỏ trong khu công nghiệp. TP.HCM phải chuẩn bị sẵn trước khi dịch xảy ra", Phó Thủ tướng chỉ đạo.