Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:52
RSS

TP.HCM kêu gọi người dân phản ánh địa điểm có nguy cơ gây sốt xuất huyết

Thứ bảy, 09/07/2022, 15:25 (GMT+7)

Sở Y tế TP.HCM đã cập nhật ứng dụng "Y tế trực tuyến" để tiếp nhận phản ánh những địa điểm có nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết từ người dân.

Sự kiện:
TP.HCM

Theo Báo Thanh niên, ngày 8/7, Sở Y tế TP.HCM đã cập nhật và bổ sung ứng dụng “Y tế trực tuyến” để người dân có thể dễ dàng phản ánh đến Thanh tra Sở Y tế và các phòng chức năng những địa chỉ trong cộng đồng có nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế TP.HCM, hình thức phản ánh có thể thông qua chụp ảnh, quay video clip, nhắn tin có địa chỉ cụ thể những nơi có nhiều muỗi, nhiều ổ lăng quăng. Khi nhận được những phản ánh này, Sở Y tế TP.HCM sẽ xác nhận và chuyển ngay thông tin phản ánh của người dân đến chính quyền địa phương để xử lý theo quy định, ngay cả xử phạt hành chính theo quy định.

TP.HCM kểu gọi người dân phản ánh địa điểm có nguy cơ gây sốt xuất huyết

Phun thuốc phòng chống sốt xuất huyết Dengue. Ảnh: mt.gov.vn

Liên quan đến dịch bệnh sốt xuất huyết, nguồn tin trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, tính đến hết ngày 5/7, tổng số ca mắc sốt xuất huyết của toàn TP.HCM là 23.516 ca, trong đó đã có 11 ca tử vong, tăng 9 ca so với trung bình giai đoạn 2016-2020.

Theo công bố của Viện Pasteur TP.HCM, dịch bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam và TP.HCM năm nay thuộc type huyết thanh Dengue-1 như năm 2021, nhưng bắt đầu có sự gia tăng dần type huyết thanh Dengue-2. Theo quy luật, khi có xuất hiện trở lại của một type huyết thanh đã vắng mặt một thời gian trước đó thì số ca mắc mới sẽ có khuynh hướng tăng cao, tương ứng sẽ có số ca nặng tăng, số tử vong tăng.

Dự báo trong những tháng còn lại của năm 2022, những tháng cao điểm của mùa mưa, số ca mắc sốt xuất huyết của TP.HCM sẽ tiếp tục gia tăng, theo đó là số ca bệnh nặng và tử vong cũng sẽ tăng, nếu không quyết liệt thực hiện những biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết ngay từ bây giờ.

Cho đến nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chính vẫn là cắt đứt đường lây truyền bệnh thông qua việc diệt muỗi, diệt lăng quăng. Một số ít quốc gia trên thế giới có sử dụng vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết nhưng hiệu quả phòng bệnh chưa cao.

Biện pháp phòng chống sốt xuất huyết duy nhất áp dụng tại Việt Nam vẫn là “diệt lăng quăng, diệt muỗi”, trong đó diệt lăng quăng được xem là biện pháp đơn giản, hiệu quả và căn cơ. Còn việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp cấp bách nhằm làm giảm nhanh số lượng muỗi trưởng thành. Hết thời gian hóa chất tồn tại trong không gian, lứa muỗi mới lại tiếp tục phát triển, truyền bệnh.

Để ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát dữ dội, rất cần hành động của mỗi người dân ngay trong chính ngôi nhà - nơi mình sinh sống, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong chính nơi mình làm việc mỗi ngày.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại