Không biết từ bao giờ, cái tên “Phở 5 nghìn” trở nên quen thuộc với mỗi người dân sống tại khu vực thành phố Nam Định. Giữa thời bão giá, khi mà mọi thứ trở nên đắt đỏ và mỗi bữa ăn cũng là một mối lo, thì quán phở này vẫn tồn tại bao nhiêu năm nay, làm ấm lòng thực khách sau những ngày lao động mệt nhoài.
Quán ăn này nằm trong hẻm nhỏ trên con đường 19/5. Chủ quán được người dân gọi với cái tên đầy yêu thương: chị Béo. Đó là một người phụ nữ với thân hình mập mạp và nụ cười lương thiện. Tên thật của chị là Trần Thị Trung.
Sau khi dọn dẹp xong, Chị Trung hồ hởi nói chuyện với một vài vị khách còn lại. Một vị khách hỏi chị: “Chị Béo hôm nay bán được bao nhiêu? Có lãi được đồng nào không hay là chưa đủ gốc?”. Chị cười khà khà, nụ cười của người phụ nữ lam lũ nhưng vẫn không che lấp đi vẻ mặn mà phúc hậu.
Và rồi, chị tâm sự: “Mỗi ngày, quán tôi có khoảng 400 khách, cũng tùy có ngày ít ngày nhiều, nhưng bình thường là như vậy. Để làm khoảng 400 bát phở thì phải tiêu thụ 100 kg bún, 30 con gà. Khách thì lúc nào cũng đông, nhưng lời lãi thì chẳng đáng là bao. Dù thế tôi vẫn muốn duy trì quán phở 5 nghìn này càng lâu càng tốt”.
Khi được hỏi về nguyên nhân mở quán phở này, chị Trung chia sẻ: “Quán này tôi mở từ năm 2005. Ai cũng biết giá một bát phở bây giờ cũng phải 15 đến 20 nghìn, với giá đấy không phải là lựa chọn của tất cả mọi người nhất là sinh viên và người dân lao động có thu nhập thấp. Vậy nên tôi quyết định giúp họ thỏa mãn nhu cầu ẩm thực mà vẫn đảm bảo hầu bao không bị trống rỗng”. Nói đến đây chị Trung lại cười vang.
Trước đó, một số thông tin từ báo Thanh niên cho biết, chồng chị Trung từng đi lính và làm anh nuôi. Sau khi anh giải ngũ, cả gia đình mở hàng cơm bán cho nhân viên một công ty dược.
Sau khoảng thời gian này, khu gần nhà chị xuất hiện một số công ty và các trường cao đẳng, đại học khác, chị Trung cùng chồng quyết định mở quán phở. Một phần vì phở là món dễ ăn, được nhiều người ưa chuộng. Phần khác là vì muốn duy trì món đặc sản của quê hương Nam Định.
Theo nguồn tin từ Người đồng hành, thời điểm ban đầu mỗi bát phở anh chị bán 3 nghìn đồng. Về sau thực phẩm dần đắt đỏ hơn nên anh chị bán giá 5 nghìn đồng. Và cũng từ đó mức giá 5 nghìn đã trở thành thương hiệu. Anh chị đặt luôn tên biển hiệu của hàng là “Phở 5 nghìn”.
Anh Nguyễn Văn Hiệp (sinh viên trường Cao đẳng nghề Bộ Quốc Phòng) cho biết: “ Ngày nào đi học về hoặc thỉnh thoảng tụ tập bạn bè mình đều ra đây vì đồ ăn rẻ mà ngon. Và quan trọng hơn là không khí ở đây ấm cúng. Chị Béo vui tính, thân thiện lắm”.
Không chỉ có sinh viên, mà nhiều người dân, nhất là lao động thu nhập thấp và cả những thực khách từ xa, nghe tiếng “Phở 5 nghìn” cũng tò mò đến ăn thử rồi. Cứ dần dà như thế suốt nhiều năm, vợ chồng chị Trung có đến hàng trăm khách quen. Và quán Phở 5 nghìn mỗi ngày vẫn tấp nập “kẻ vào người ra”.
Một quán phở giữa lòng thành phố với diện tích khoảng 15m2, bao nhiêu năm nay vẫn âm thầm nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ để duy trì. Nhưng đến đây, nó đã trở thành điểm dừng chân của bao người lao động đang mệt mỏi mưu sinh.
Ở cái thời “đồng tiền làm nên tất cả”, thì quán Phở 5 nghìn của gia đình chị Trung vẫn làm ấm lòng bao thực khách. Giữa cơn bão giá, Phở 5 nghìn chính là một nét đẹp nhân văn đáng được ngợi ca.