Tin tức trong ngày 30/5, Sở Tài chính TP Đà Nẵng cho biết Quốc hội vừa có nghị quyết bố trí vốn 1.651 tỉ đồng cho UBND TP Đà Nẵng để thanh toán dự án cầu vượt Ngã ba Huế. Nhà đầu tư dự án là liên danh Công ty TNHH Ngã ba Huế Trung Nam và Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam.
Theo đó, Quốc hội đã có quyết nghị điều chỉnh giảm số tiền 1.651 tỉ đồng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Bộ GTVT để giao bổ sung cho UBND TP Đà Nẵng thanh toán cho dự án.
Cầu vượt Ngã ba Huế
Dự án cầu vượt Ngã ba Huế khởi công ngày 29/3/2013 và đưa vào sử dụng từ năm 2015. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.050 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Tuy nhiên, đã 5 năm từ khi dự án được đưa vào sử dụng, nhà đầu tư vẫn chưa được thanh toán khoản nợ hơn 1.651 tỉ đồng.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông trong nửa tháng đầu thực hiện tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ, lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc phát hiện và lập biên bản gần 200.000 trường hợp vi phạm.
Cụ thể, từ ngày 15 đến 29-5, qua quá trình tổng kiểm soát, cảnh sát giao thông công an các địa phương đã phát hiện và lập biên bản xử lý 194.386 phương tiện vi phạm. Trong đó, có 7226 xe khách, 2148 xe container, 25189 xe tải, 15.349 ôtô con, và 138.482 xe máy. Lực lượng cảnh sát giao thông đã ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép lái xe gần 12.853 trường hợp, tạm giữ gần 30.279 xe.
Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm trong nửa tháng đầu tổng kiểm soát
Các lỗi vi phạm chủ yếu như vi phạm quy định về tốc độ 15.404 trường hợp, vi phạm các quy định về đội mũ bảo hiểm 34.705 trường hợp, không có giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe, giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp 24.523 trường hợp...
Đáng chú ý, sau nửa tháng ra quân Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện và xử lý 9.952 lái xe vi phạm nồng độ cồn và 143 lái xe vi phạm về ma túy.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến đồng ý với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về lại Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Ý kiến trên được thể hiện trong văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng vừa được Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đường sắt Việt Nam
Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý các vướng mắc trong hoạt động của Tổng công ty đường sắt Việt Nam.
Yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương trình đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; tổng hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thời gian tới của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và đề xuất giải pháp phù hợp.