TP.HCM sẽ lập ban điều hành ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Đây là khẳng định của Bí thư Thành ủy TP.HCM sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp về những yêu cầu trong phát triển trí tuệ nhân tạo tại thành phố.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
Ban điều hành hợp tác nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ tham mưu cho thành phố trong việc xác định cần hợp tác với ai trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu về cái gì và ứng dụng ở đâu. Trong ban này, thành phần chủ yếu là các nhà khoa học và doanh nghiệp, không phải chính quyền bởi chỉ nhà khoa học và doanh nghiệp mới nhận dạng ra các xu hướng mới chính xác.
Tại hội thảo, các đại biểu cho biết, hiện các trường, viện và doanh nghiệp thường xuyên phải đoán xem thành phố muốn gì. Trước kiến nghị này, lãnh đạo TP.HCM cho biết, đến ngày 30/5, thành phố sẽ có các danh mục đặt hàng cho doanh nghiệp, nhà khoa học và tổ chức đấu thầu thực hiện. Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị hình thành chương trình đào tạo đại học chia sẻ về trí tuệ nhân tạo, sử dụng nhân lực giảng dạy và cơ sở vật chất của nhau để tối ưu hóa việc đào tạo.
Việt Nam dự Đối thoại cấp cao về Hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ngày 20/3, tại Jakarta, Indonesia đã diễn ra Đối thoại cấp cao về Hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Hướng tới một khu vực hoà bình, thịnh vượng và bao trùm.
Đối thoại cấp cao về Hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao, Quan chức cao cấp của 10 nước ASEAN, 8 nước đối tác (Australia, Trung Quốc Ấn Độ, Nhật Bản Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ), cũng đại diện một số nước Nam Thái Bình Dương. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại.
Được tổ chức theo sáng kiến của nước chủ nhà Indonesia, Đối thoại nhằm mục đích tạo cơ hội để các nước trao đổi về các khái niệm, sáng kiến hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, qua đó tìm kiếm khả năng hợp tác cùng có lợi trên cơ sở các nguyên tắc chung.
Trong phát biểu khai mạc, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với 3/5 diện tích bề mặt trái đất và có 3/5 dân số thế giới sinh sống. Do đó, xây dựng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng có ý nghĩa to lớn không chỉ với các nước trong khu vực mà với cả thế giới.
Trong thời gian tới, Indonesia đề xuất các nước tập trung ưu tiên vào 3 lĩnh vực ưu tiên: hợp tác biển, hạ tầng và kết nối, và phát triển bền vững. Để làm cơ sở cho hợp tác, Phó Tổng thống Indonesia nhấn mạnh các nguyên tắc bao trùm, minh bạch, đối thoại và hợp tác, tôn trọng luật lệ, phát triển không loại trừ ai và hợp tác không nhằm thay thế mà củng cố, tăng cường những khuôn khổ, cơ chế hiện có.
Tại phiên thảo luận chung vào sáng ngày 20/3, đại diện 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đã lần lượt trình bày quan điểm, nhìn nhận của mình về hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như đề xuất phương hướng, biện pháp thúc đẩy hợp tác. Nhìn chung, các nước đều chia sẻ lợi ích chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng, dựa trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc chung.
Trước tình hình đang có nhiều khái niệm, chiến lược hợp tác, điều quan trọng là cần tìm ra những điểm đồng nhất giữa các sáng kiến, chiến lược này, từ đó làm cơ sở để thúc đẩy hợp tác chung. Đặc biệt, các nước đều đề cao vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt, coi đây là cơ sở chính để triển khai hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.
Vào chiều ngày 20/03 đã diễn ra các phiên thảo luận theo từng chủ đề: Phát triển bền vững (SDG), Hợp tác biển, Hạ tầng và Kết nối với sự tham dự của các đại biểu dự đối thoại, đại diện một số tổ chức quốc tế, học giả và khu vực tư nhân. Tại các phiên thảo luận, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá tình hình hợp tác, xác định những thách thức và tìm kiếm khả năng thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Dự kiến nước chủ nhà Indonesia sẽ ra Tuyên bố Chủ tịch tóm tắt các ý kiến, đề xuất đưa ra tại các phiên thảo luận.
Phát biểu tại Đối thoại, Thứ trưởng Tô Anh Dũng chia sẻ một khu vực ÂĐD-TBD hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng cho tất cả là mục tiêu và nguyện vọng chung, do đó tất cả các nước cần có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia, đóng góp nhằm hiện thực hóa các mục tiêu này. Để làm được điều đó, Thứ trưởng nhấn mạnh các nước cần lấy hòa bình, ổn định và thịnh vượng làm mục tiêu chung, cùng với sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, và quyền tự quyết của các nước; coi đối thoại và hợp tác là công cụ chủ yếu trong quan hệ giữa các quốc gia, và lấy thượng tôn pháp luật là nền tảng để xây dựng cấu trúc hợp tác khu vực.
Thứ trưởng đề nghị cần thúc đẩy hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa các nước, phát huy vai trò của ASEAN để định hướng cho hợp tác, dựa trên cơ sở là các chương trình, kế hoạch hợp tác hiện có cũng như các cơ chế, khuôn khổ do ASEAN thành lập và dẫn dắt.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Tô Anh Dũng đã có cuộc gặp và chào xã giao Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia, gặp Trưởng đoàn một số nước để trao đổi về quan hệ song phương và các vấn đề cùng quan tâm.
Thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ giữa Đức và Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Đức, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đến thăm và tìm hiểu hoạt động của một số công ty trong lĩnh vực công nghệ cao.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thăm khu vực thực nghiệm của Viện Nghiên cứu Fraunhofer. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung tìm hiểu các hoạt động, công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ cũng như đào tạo nhân lực của công ty sản xuất turbine khí thuộc tập đoàn Siemens, công ty phần mềm SAP và Viện nghiên cứu Fraunhofer.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các công ty này quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa vào thị trường Việt Nam, như xây dựng các nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, turbine điện gió phục vụ nhu cầu năng lượng nhân tạo của thị trường Việt Nam và khu vực ASEAN, xây dựng các trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm công nghệ mới, đặc biệt là hợp tác với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì bởi Đức là quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang có nhu cầu đổi mới rất lớn trong lĩnh vực này, tạo xung lực mạnh cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lãnh đạo các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ cao của Đức đều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam và cho biết, đã có những bước đi cụ thể để thúc đẩy hơn nữa việc hợp tác, đầu tư công nghệ giữa hai nước.
Hà Nội chưa dừng đăng ký xe máy mới đến năm 2020
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết từ nay đến năm 2020, thành phố mới bắt đầu nghiên cứu xây dựng lộ trình cấm xe máy cho năm 2030.
Sở Giao thông Vận tải cũng khẳng định những tuyến phố hạn chế hoạt động của xe máy sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó mới đưa ra lộ trình dừng đăng ký xe máy để tránh thiệt hại cho người dân.
Nhanh chóng giải quyết vấn đề ô nhiễm tại Hưng Yên
Tình trạng ô nhiễm tại làng nghề tái chế chì ở xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm và ô nhiễm do rác thải tại Hưng Yên đã được các cơ quan chức năng cố gắng giải quyết.
Hơn 3 năm sau ngày di dời các cơ sở tái chế chì ra điểm công nghiệp của làng, môi trường thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo đã cải thiện hơn. Nước sạch cũng đã có cho gần như tất cả các hộ dân. Tuy nhiên, những người dân sống tại đây vẫn hết sức lo ngại bởi kết quả kiểm tra nhanh của Tổng cục Môi trường chiều 20/3 cho thấy hàm lượng chì tại khu đất này vẫn rất cao, đặc biệt, nhiều hộ dân vẫn còn chì tồn lưu trong đất.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng ô nhiễm chì tại đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên nhanh chóng kiểm tra cũng như rà soát toàn bộ khu vực thôn Đông Mai và làng nghề ở xã Chỉ Đạo để có phương án giải quyết dứt điểm trong năm 2019.
Cũng trong chiều 20/3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp kiểm tra nhà máy xử lý rác tại TP Hưng Yên. Đây là nhà máy đang được vận hành thử nghiệm với công nghệ xử lý rác tươi, sau đó rác được đốt và chuyển hóa thành điện. Dự kiến, mỗi ngày, nhà máy có thể xử lý được khoảng 200 tấn rác phát điện.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ phải tiếp tục nghiên cứu toàn diện công nghệ cũng như báo cáo tác động môi trường của nhà máy này để có đánh giá chính xác.
Đề xuất thành lập thêm 5 chốt kiểm dịch ngăn dịch tả lợn châu Phi ở Đồng Nai
Đề xuất thành lập thêm 5 chốt kiểm dịch động vật tại các cửa ngõ nhằm ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của dịch tả lợn châu Phi đã được trình UBND tỉnh Đồng Nai xem xét.
Đây là thông tin do ông Trần Văn Quang, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết. Theo ông Quang, hiện tỉnh Kampong Cham của Campuchia đang bị dịch tả lợn châu Phi rất nặng. Tỉnh này ở gần sát tỉnh Tây Ninh nên khu vực phía Nam đang bị đe dọa, trực tiếp là các tỉnh Đông Nam Bộ. Do đó, tỉnh Đồng Nai thành lập thêm các chốt nhằm ngăn chặn dịch từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.
Trước đó, vào cuối tháng 2, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên Quốc lộ 1 đoạn giáp tỉnh Bình Thuận và Quốc lộ 20 đoạn giáp ranh tỉnh Lâm Đồng nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi từ các tỉnh thành phía Bắc và Tây Nguyên.
Chính thức thu phí không dừng trạm cầu Phú Mỹ từ ngày 23/3
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, từ ngày 23/3, cầu Phú Mỹ nối từ quận 7 đi quận 2 sẽ chính thức áp dụng thu phí không dừng.
Theo dự kiến, trong giai đoạn 1, trạm thu phí Cầu Phú Mỹ sẽ triển khai 4 làn thu phí không dừng với mỗi chiều lưu thông gồm 2 làn. Những làn còn lại vẫn triển khai thu phí một dừng như bình thường.
Hệ thống thu phí không dừng sẽ liên thông với hệ thống thu phí tự động tại trạm thu phí An Sương - An Lạc, đồng thời sẽ sớm liên thông với các trạm thu phí tự động đã được lắp đặt trên toàn quốc. Như vậy, để có thể sử dụng, khách hàng chỉ cần mang chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước đến trạm thu phí cầu Phú Mỹ hoặc bất kỳ trạm đăng kiểm nào trên toàn quốc để mở tài khoản thu phí và dán thẻ đầu cuối Etag.
Đến giai đoạn 2, trạm thu phí cầu Phú Mỹ sẽ tiếp tục triển khai thêm 4 làn thu phí tự động. Đến thời điểm này, mọi công tác lắp đặt thi công chuẩn bị cho làn thu phí tự động tại cầu Phú Mỹ đã gần như hoàn thành, để đến 9h ngày 23/3 sẽ thực hiện việc thu phí không dừng.
Trước đó, nơi đầu tiên được áp dụng thu phí tự động là trạm thu phí An Sương - An Lạc.
Làm rõ thông tin Chùa Ba Vàng truyền bá vong báo oán
UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu TP. Uông Bí và các cơ quan chức năng liên quan xác minh nội dung báo chí phản ánh Chùa Ba Vàng truyền bá chuyện vong báo oán, thu tiền tỷ.
Chùa Ba Vàng. Ảnh: TTXVN
Sự việc này đang gây bất bình trong nhân dân và gây bất ổn tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Thành phố Uông Bí đã thành lập đoàn công tác trực tiếp làm việc tại Chùa Ba Vàng. Nếu đúng như báo chí phản ánh, chính quyền sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 25/3 tới.
Chùa Ba Vàng khánh thành cách đây 5 năm, thường xuyên có nhiều Phật tử và người dân khắp nơi về chùa lễ bái.