Dự kiến hạn chế đăng ký mới xe máy tại các quận nội thành Hà Nội
Sau khi hạn chế đăng ký xe máy mới tại các quận nội thành vào năm 2020, Hà Nội sẽ mở rộng việc hạn chế đăng ký đến các quận huyện còn lại vào năm 2025.
Sở giao thông Vận tải Hà Nội đã có báo cáo đề án Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 của Sở Giao thông vận tải Hà Nội.
Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra 2 tiêu chí lớn làm căn cứ xét tuyến đường đủ điều kiện hạn chế xe máy, gồm kết cấu hạ tầng và kết cấu giao thông công cộng. Cụ thể, kết cấu hạ tầng có 6 tiêu chí nhỏ với thang điểm khác nhau: năng lực hạ tầng giao thông đường bộ đáp ứng lượng phương tiện giao thông là điều kiện tiên quyết (3 điểm); tỷ lệ diện tích đường dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đảm bảo trên 20% (2 điểm); mật độ đường tính đến đường chính khu vực đạt tối thiểu 4km/km2 (2 điểm); 100% hè phố tính đến đường cấp khu vực có bề rộng tối thiểu 3m (1 điểm)...
Hệ thống giao thông công cộng có 5 tiêu chí nhỏ, trong đó tiêu chí quan trọng nhất là năng lực phương tiện công cộng như đường sắt đô thị, BRT, xe bus, minibus, taxi, xe đạp công cộng... đáp ứng được nhu cầu đi lại. Các tuyến đường sẽ phải đạt ít nhất 7/10 điểm mới có thể áp dụng việc hạn chế xe máy.
Căn cứ trên điểm số này, Sở Giao thông vận tải cho biết sẽ thí điểm cấm xe máy hoạt động vào giờ cao điểm từ thứ 2 đến thứ 6, bố trí làn ưu tiên cho xe bus (ngoài thời gian cấm xem xét cho xe máy hoạt động trên làn ưu tiên cho xe bu) tại các tuyến Nguyễn Trãi (đoạn từ giao vành đai 3 - đường Láng) vào năm 2019 - 2020 và tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy (sau khi tuyến 3A đi vào hoạt động, dự kiến sau 2020).
Các tuyến đường đang được nghiên cứu xem xét bao gồm: tuyến Giải Phóng (đoạn từ giao vành đai 3 - Đại Cồ Việt), đường Nguyễn Văn Cừ (từ cầu vượt Long Biên - cầu Chương Dương), đường Lê Văn Lương (giao vành đai 3 - Láng) và tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.
Cũng theo báo cáo, giai đoạn 2021 - 2025, khu vực bảo tồn cấp 1 mở rộng gồm Hàng Đậu - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Hưng Đạo - Lê Duẩn - Phùng Hưng cũng dự kiến cấm xe máy hoạt động từ 19 giờ thứ 6 đến 24 giờ chủ nhật hàng tuần.
Giai đoạn 2026 - 2030, Hà Nội sẽ tiếp tục hạn chế xe máy trong khu vực vành đai 1 với diện tích gần 26 km2, dân số khoảng 700.000 người.
Giai đoạn sau 2030 sẽ hạn chế trong khu vực vành đai 3 và mở rộng ra các khu vực khác. Tại thời điểm đó, theo thành phố Hà Nội, vận tải khách công cộng sẽ đáp ứng 70% nhu cầu đi lại của người dân, với 180 tuyến xe bus, 2.700 phương tiện; 9 tuyến đường sắt đô thị; 30.000 taxi; 30.000 xe hợp đồng và hơn 10.000 xe đạp công cộng.
Hiện Hà Nội đang nghiên cứu mô hình thành công của thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) với lộ trình cụ thể gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu giới hạn đăng ký mới; giai đoạn tiếp theo thí điểm hạn chế một số tuyến đường, khu vực; và giai đoạn 3 là mở rộng dần, tiến tới hạn chế trên toàn bộ thành phố. Tuy nhiên, để thực hiện thành công thì thành phố cần sẵn sàng các phương án giao thông công cộng thay thế.
Hà Nội dự kiến sẽ hạn chế đăng ký mới xe máy tại các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ vào năm 2020 và mở rộng sang các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và các huyện Gia Lâm, Đông Anh vào 2025. Trong giai đoạn này, Hà Nội sẽ ban hành chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc thu mua xe máy cũ với những xe máy tuổi đời dưới 10 năm.
Sắp khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Hà Nội phấn đấu đến hết tháng 4 sẽ đưa hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác thương mại.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo Thành ủy Hà Nội thường kỳ vào chiều 19/3. Hà Nội đã thông qua phương án tính giá vé theo 3 cách gồm: Giá vé tính theo đoạn đường di chuyển; giá vé tính theo ngày và vé tháng. Mức vé thấp nhất là 8.000 đồng và cao nhất là 15.000 đồng.
Mức vé này cao gấp 1,7 lần so với vé xe bus đồng hạng, nhưng tốc độ di chuyển sẽ nhanh gấp hơn 2 lần so với xe bus và không bị tắc đường vào giờ cao điểm. Tuyến đường sắt trên cao có năng lực vận chuyển tối đa từ 19.000 - 20.000 hành khách trong 1 giờ.
Việc đưa tuyến đường sắt trên cao vào khai thác sẽ góp phần vào việc hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018
Tối 19/3, Lễ tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 với chủ đề "Khát vọng chinh phục những đỉnh cao" đã diễn ra tại Hà Nội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự. Sự kiện được Trung ương Đoàn tổ chức thường niên nhân Kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3).
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình mong muốn các cá nhân được tuyên dương luôn ý thức về trọng trách, sứ mệnh cao cả của mình; không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, học tập, làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không tự mãn, hài lòng với chính mình; tích cực trau dồi, nuôi dưỡng ước mơ, dấn thân và khát khao cống hiến để tiếp tục tỏa sáng, tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung.
10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm nay gồm: Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H'hen Niê (lĩnh vực Văn hóa - Nghệ thuật); Nguyễn Đức Thành, Vòng Bính Long (lĩnh vực Nghiên cứu khoa học - Sáng tạo); Nguyễn Phương Thảo (lĩnh vực Học tập); Văn Đinh Hồng Vũ (lĩnh vực Kinh doanh - Khởi nghiệp); Trần Văn Thuyết (lĩnh vực Lao động sản xuất); Nguyễn Quang Hải (lĩnh vực Thể dục thể thao); Nguyễn Văn Thuận (lĩnh vực Quốc phòng); Lê Trọng Hiếu (lĩnh vực An ninh trật tự); Lê Đình Hiếu (lĩnh vực Hoạt động xã hội).
Hôm nay (20/3): Khởi công đường đua công thức 1
Đường đua được xác định là khu vực Sân vận động Mỹ Đình và một số trục đường xung quanh Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình.
Hôm nay (20/3), lễ khởi công xây dựng đường đua Công thức 1 (F1) sẽ diễn ra tại Hà Nội. Trước đó, qua nhiều vòng đàm phán, tháng 8/2018, UBND TP Hà Nội đã chính thức ký kết hợp đồng với Tập đoàn Formula One về việc đăng cai tổ chức Giải đua xe Công thức 1 tại Hà Nội với thời hạn là 10 năm bắt đầu từ năm 2020.
Kết luận sai phạm trong chuyển đổi nhà, đất công tại Đà Nẵng
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo số 354 thông báo kết luận thanh tra việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Đà Nẵng.
Từ kết luận trên, Thanh tra Chính phủ đã thu nộp về ngân sách số tiền hơn gần 140 tỷ đồng.
Theo kết luận, UBND TP Đà Nẵng đã cho phép bán 52 cơ sở nhà đất công sản khu chưa có phương án sắp xếp xử lý là không đúng theo quy định pháp luật Trong 52 cơ sở nhà đất được bán, chuyển sang mục đích sử dụng khác có 8 cơ sở nhà đất bên thuê được mua không thông qua hình thức đấu giá liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ.
Việc xác định giá thu tiền sử dụng đất khi chuyển đổi quỹ đất công, các cơ sở nhà đất sang mục đích chưa sát với giá thị trường, chưa thực hiện đúng các phương pháp xác định giá theo quy định, làm thất thu ngân sách số tiền hơn 53,8 tỷ đồng.
Quảng Ninh: Cảnh sát biển hỗ trợ ngư dân bám biển
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 thực hiện chương trình phổ biến kiến thức pháp luật, hỗ trợ các vật dụng và tặng tủ thuốc cho ngư dân.
Hoạt động được tổ chức tại huyện đảo Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh trong dịp tàu thuyền đi biển tập trung sau đợt đánh bắt xa bờ. Các tàu đánh cá tập trung tại đây đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đây là quãng thời gian nghỉ ngời của ngư dân để có thể tiếp thu các kiến thức pháp luật, nhận sự động viên tinh thần cũng như khuyến khích hoạt động khai thác đánh bắt, bám ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thu giữ hàng nghìn điếu xì gà không rõ nguồn gốc
Tối 19/3, Đội quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra đột xuất và thu giữ hàng nghìn điếu xì gà không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh xì gà có địa chỉ tại số 55 phố Hàng Gà, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã kiểm đếm và xác định có hàng chục nhãn hiệu xì gà nổi tiếng các loại như Cohiba, Romeo... đều được bày bán tại đây với các mức giá từ vài triệu cho tới vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, đại diện cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số xì gà trên. Toàn bộ số xì gà này đã được kiểm đếm, niêm phong và thu giữ phục vụ điều tra.
Cơ quan chức năng cũng cho biết, chủ cửa hàng xì gà này là Hoàng Mạnh Cường, sinh năm 1981, có hộ khẩu thường trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng chính là chủ của cửa hàng xì gà 28 Hàng Điếu đã bị kiểm tra và thu giữ hơn 26.000 điếu xì gà cách đây 3 năm.