Thứ bảy, 20/04/2024 | 06:17
RSS

Tiếng khóc xé lòng của 2 bé người Mông không có tiền chữa bệnh

Thứ năm, 11/04/2019, 11:51 (GMT+7)

Là lao động chính trong gia đình có tới 10 miệng ăn, anh Dương Văn Dẩn cho biết, dù đã bán cả trâu và lợn nhưng gia đình vẫn không đủ tiền để chạy chữa cho 2 bé sinh đôi. Gánh nặng đè lên đôi vai khiến ông bố trẻ nhiều đêm phải bật khóc trong bệnh viện.

Tiếng khóc xé lòng của 2 bé người Mông không có tiền chữa bệnh
Mới được 4 tháng tuổi nhưng bé Huy và Hoàng đã nằm viện tới 3 tháng trời.

Tiếng sét giữa trời quang

Như phần lớn “con nhà nghèo”, anh Dương Văn Dẩn (22 tuổi, dân tộc Mông, trú tại Cốc Sông, Xuân Lạc, Chợ Đồn, Bắc Kạn) có cuộc sống khá vất vả. Bố mẹ đã có tuổi, chị gái cả lập gia đình nhưng chồng không may qua đời sớm và để lại 1 con thơ dại, chị gái thứ hai mắc bệnh hiểm nghèo mọi sinh hoạt phải dựa vào người thân chăm sóc, chị gái thứ 3 sức khỏe yếu cũng chỉ loanh quanh công việc nội trợ trong nhà. Vậy nên, anh Dẩn quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với mong ước có thể cho người thân cuộc sống đủ đầy hơn.

Năm 2018, anh Dẩn nên duyên với chị Trương Thị Mai. Đến đầu năm 2019, gia đình anh vỡ òa trong hạnh phúc khi chào đón 2 bé sinh đôi là Dương Chỉ Huy và Dương Thanh Hoàng. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, anh lại hay tin, sức khỏe con có vấn đề.

“Ngay từ khi sinh ra, 2 con đã bị cứng cổ, khó thở, quấy khóc suốt ngày, còn không bú được sữa mẹ… Vợ chồng mình phải vắt sữa để đút mà mỗi ngày chỉ được có 4 thìa nhỏ”- anh Dẩn nhớ lại.

Tiếng khóc xé lòng của 2 bé người Mông không có tiền chữa bệnh
Lo nghĩ nhiều cộng thêm tình trạng sức khỏe của con không mấy tiến triển khiến anh Dẩn luôn ủ rũ.

Sau 1 tuần điều trị tại Trung tâm y tế huyện Chợ Đồn, sức khỏe của 2 bé đã ổn định và được về nhà. Thế nhưng, chỉ 1 tháng sau đó, 2 bé bất ngờ bị viêm phổi cấp. Lúc này, các bác sĩ lại chuyển lên tuyến tỉnh điều trị. Sau 1 tuần không tiến triển, 2 bé lại được chuyển lên Phòng Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên.

“Bác sĩ bảo 1 đứa bị viêm phổi nặng, 1 đứa bị dị tật đường thở, phải điều trị lâu dài. Nhà nghèo, nghe tin này mình như sét đánh bên tai vậy”- anh Dẩn nghẹn ngào.

Bán hết trâu, lợn cũng không đủ tiền chạy chữa

Mặc dù đến nay hai con đã được 4 tháng tuổi, nhưng anh Dẩn cho biết, có tới 3 tháng ròng rã gia đình anh ăn ngủ và sinh hoạt trong bệnh viện. 

“Hiện giờ chỉ có hai vợ chồng mình ở viện thay phiên chăm cháu. Còn bố mẹ và các chị phải ở nhà lo ruộng nương và thu vén nhà cửa. Lên thành phố cái gì cũng đắt và lạ. Hôm đầu mình còn không biết làm thủ tục gì cả. May có mấy chị tốt bụng dẫn đi làm”.

Anh Dẩn cho biết, đến thời điểm hiện tại, chi phí đi lại, chạy chữa cho hai con đã lên tới hơn 40 triệu đồng. Và mặc dù đã vay mượn hàng xóm, bán ngô bán thóc, thậm chí bán cả gia súc trong nhà, nhưng tất cả cũng chỉ như “muối bỏ bể”.

“Nhà mình có 3 mẫu ngô, 2 mẫu lúa, 8 con trâu, 3 con lợn. Chăm chỉ làm nương rẫy thì mỗi tháng cũng được 2 triệu. Nhưng nhà có tới 7 người lớn và 3 đứa trẻ con nên khó khăn lắm. Từ hôm con ốm, mình phải vay mượn khắp nơi rồi bán trâu bán lợn mà vẫn không đủ. Trong nhà giờ chỉ còn 4 con trâu để làm nương rẫy vì giờ ai cũng yếu cả mà”.

Tiếng khóc xé lòng của 2 bé người Mông không có tiền chữa bệnh
Thi thoảng, bà nội 2 bé lên thăm nom nhưng do không biết tiếng Kinh nên cũng không đỡ đần được gì nhiều.

Nhà đông người nhưng sức lao động lại yếu, nên từ khi anh Dẩn đưa con đi chữa bệnh đến nay, công việc đồng áng thì “làm được từng nào hay từng đó”.

"Bố mẹ và chị gái mình làm được đến đâu thì làm thôi, không kịp thì kệ cỏ mọc hoang chứ biết làm sao được”, anh Dẩn thở dài.

Lo nghĩ nhiều cộng thêm tình trạng sức khỏe của con không mấy biến chuyển, phải thở oxy 24/24 khiến ông bố mới 22 tuổi lúc nào cũng ủ rũ. Các bác sĩ khuyên, chuyển lên tuyến trung ương để điều trị nhưng anh Dẩn lại nấn ná không dám đi. Bởi lẽ “Mình đã bao giờ lên Hà Nội đâu, người ta nói tiếng Kinh hơi nhanh là không nghe rõ. Lại không đủ tiền nữa. Nhiều hôm thấy con khóc mà đau xé lòng. Có đêm nhìn con thoi thóp thở ôxy mà không dám chợp mắt, vì sợ ngủ mất con có làm sao thì chắc không sống nổi. Cứ nghĩ quẩn rồi khóc”.

Mọi sự giúp đỡ hảo tâm xin vui lòng gửi về
Anh Dương Văn Dẩn (Cốc Sông, Xuân Lạc, Chợ Đồn, Bắc Kạn)
SĐT: 0327.261.757

 

Hà Quyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN