Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:42
RSS

Tiền không 'đẻ' ra tiền còn sinh thêm nợ: Đừng để đời sau gánh

Chủ nhật, 30/10/2016, 10:46 (GMT+7)

Nợ công sẽ có khả năng gần “chạm” trần Quốc hội cho phép là 65% GDP vào cuối năm nay. Trong bối cảnh tăng trưởng giảm, ngân sách eo hẹp, việc vay và trả nợ công đang trở thành vấn đề rất nóng.

Vay nợ mới, trả nợ cũ

Nợ từ thời làm ăn thua lỗ của Vinashin sẽ khiến ngân sách có thể sẽ phải trả nợ thay cho doanh nghiệp này số tiền lên tới hơn 63.000 tỷ trong 10 năm tới.

Thông tin được Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội tiết lộ trong báo cáo thẩm định nợ công đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Có lẽ, ngày mà Vinashin được vay lại vốn ODA này ít ai nghĩ tới việc “con tàu” Vinashin lại đắm chìm và ngân sách phải gồng gánh trả nợ cho một tập đoàn kinh tế nhà nước như vậy.

Nếu nhìn thêm những dẫn chứng dự án vay vốn ODA bị đội vốn, chậm tiến độ thì càng không thể yên tâm. Đó là dự án Metro Hà Nội tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu EUR lên 1,17 tỷ EUR, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng tổng mức đầu tư từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng…

Những dự án này nợ đã được tính, nhưng hiệu quả chưa thấy đâu khi còn dang dở.

Nhà máy xử lý chất thải rắn ở Hải Phòng dùng vốn ODA chưa hiệu quả

Nhà máy xử lý chất thải rắn ở Hải Phòng dùng vốn ODA chưa hiệu quả. Ảnh: L.Bằng

Cách đây ít lâu, VietNamNet cũng đã có loạt bài phản ánh những nhà máy “biến rác thành phân” ở Hải Phòng, Hải Dương, Lào Cai… vay hàng trăm tỷ vốn ODA nằm đắp chiếu, không hiệu quả.

Tiền đi vay đã không "đẻ" ra tiền mà chỉ sinh thêm nợ. Theo Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội, kết thúc năm 2016 dư nợ công sẽ ở mức 64,98% GDP, sát ngưỡng cho phép 65% GDP; dư nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP, đã vượt ngưỡng 50% GDP; dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 45,7% GDP .

“Nợ công tăng nhanh, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép nhưng bắt đầu có dấu hiệu rất khó khăn về trả nợ trong ngắn hạn và có biểu hiện không an toàn trong dài hạn”, Ủy ban này đánh giá trong một bản báo cáo khác.

Nợ công năm 2016 tiệm cận con số 3 triệu tỷ đồng. Đó là chưa kể khoản nợ “khổng lồ” 1,5 triệu tỷ đồng mà các DN nhà nước đang vay. Khoản nợ ấy về nguyên tắc là “tự vay tự trả”, nhưng thực tế, như nhận định của Ủy ban Tài chính ngân sách, các khoản nợ đó có khả năng chuyển đổi thành nợ công, có nguy cơ ảnh hưởng tới tính bền vững của nợ công.

Trong thực tế, không chỉ nợ của Vinashin, nhiều khoản nợ Chính phủ bảo lãnh trong các dự án xi măng đã phải “cầu cạnh” ngân sách để trả nợ.

Gánh nặng trả nợ dồn vào ngân sách. Nhưng nhiều năm qua, Việt Nam đã phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết: Năm 2013 vay đảo nợ mới chỉ 47.000 tỷ đồng, nhưng đến năm 2014 đã tăng gấp đôi lên 106.000 tỷ đồng và tới năm 2015 con số vay nợ mới trả nợ cũ đã là 125.000 tỷ đồng.

Nếu tính cả nghĩa vụ trả nợ phải đảo nợ thì tổng nghĩa vụ nợ đã ở mức 27,4% tổng thu ngân sách vào năm 2015, vượt mức trần 25%. Đây là một trong những thước đo để đánh giá mức độ an toàn nợ công và con số này cho thấy nợ công đáng báo động.

Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn sẽ khiến kế hoạch chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong năm 2017-2018.

Đừng để nợ cho đời con cháu

Trả lời PV. VietNamNet, ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng: Nhiều nước xem việc vay nợ mới trả nợ cũ là nghiệp vụ thông thường. Những năm gần đây Việt Nam buộc phải đảo nợ để đảm bảo cân đối trả nợ.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đầu tư bằng tiền đi vay

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đầu tư bằng tiền đi vay. Ảnh: L.Bằng

Ông Hải cho biết trong kế hoạch nợ công 5 năm 2016-2020, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và đề xuất nhu cầu đảo nợ từng năm, đảm bảo việc trả nợ thực hiện nghiêm túc, đảo nợ nhưng phải tránh rủi ro.

Không tiết lộ con số vay đảo nợ cụ thể từ nay đến 2020, nhưng trong kế hoạch vay, trả nợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2016, dự kiến năm 2016 phải dành 273.300 tỷ đồng (tương đương hơn 12 tỷ USD) để trả nợ. Bao gồm: trả trực tiếp đã bố trí trong dự toán ngân sách năm (154.000 tỷ đồng), trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại (24.000 tỷ), đảo nợ (95.000 tỷ).

Nhắc đến khoản nợ 1,5 triệu tỷ của DNNN, đại diện Bộ Tài chính cho rằng phải tách biệt khoản vay nào thuộc về nợ công mà khi DN không trả được Chính phủ phải trả thay. Đó là khoản nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ cho vay lại.

“Tuy nhiên chúng ta trong kinh tế thị trường, DNNN là một thành phần trong nền kinh tế. Không thể có chuyện DNNN được ưu tiên hơn. Không thể khi họ không trả được nợ Chính phủ phải trả nợ thay”, ông Hoàng Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên thực tế, với sự ràng buộc trong các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh, hay khoản nợ nước ngoài cho vay lại, khi DN không trả được nợ thì rất khó để ngân sách “nói không” với việc trả nợ thay. Trường hợp Vinashin kể trên là một ví dụ.

Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh nhận xét: Vay mới để trả nợ cũ (đảo nợ) là hậu quả tất yếu của việc không có nguồn trả nợ và khiến cho quy mô nợ tích tụ ngày càng cao, tất yếu dẫn đến khủng hoảng nợ.

Không phải ngẫu nhiên mà khi trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh tiết kiệm là quốc sách và siết chặt kỷ luật kỷ cương, cố gắng tăng thu để tăng chi. Nhưng chi tiêu là phải trong khả năng của nền kinh tế, vay nợ tương ứng với khả năng trả nợ, dứt khoát không nâng trần nợ công, không để nợ lại cho đời sau gánh.

Lương Bằng
VietNamNet