Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường đề nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định nghiên cứu, có ý kiến thẩm định chính thức về hồ sơ giải trình bổ sung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 14/10/2024.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kỳ vọng tạo ra đột phá về hạ tầng giao thông
Nội dung thẩm định lần này sẽ được Hội đồng thẩm định với khoảng 14 nội dung thẩm định đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Cụ thể, Hội đồng thẩm định sẽ làm rõ sự cần thiết đầu tư; các điều kiện để thực hiện đầu tư; đánh giá về dự báo nhu cầu; phạm vi phục vụ và dự kiến mục tiêu đầu tư; quy mô và hình thức đầu tư; đánh giá về việc phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ kỹ thuật chính và các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng; các phương án đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư; tính khả thi của các phương án huy động vốn và khả năng cân đối nguồn vốn,…
Trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ngày 2/10/2024, Bộ GTVT cũng đã có tờ trình số 10625/TTr - BGTVT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kèm theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được hoàn thiện theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Đường sắt tốc độ cao nhằm phục vụ vận tải hành khách là chính.
Đến nay, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại phiên họp ngày 5/10 về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Bộ Chính trị thông qua, chờ Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Thường trực Chính phủ yêu cầu, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến với vận tốc thiết kế 350km/h; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Chính phủ khẳng định, đây là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới nên cần các Bộ, ngành quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để triển khai thực hiện.
Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; quá trình triển khai thực hiện cần tổ chức có hiệu quả tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong xã hội.
Về thiết kế kỹ thuật, Thường trực Chính phủ yêu cầu, Bộ GTVT bám sát chủ trương đầu tư toàn tuyến với tốc độ thiết kế 350km/giờ đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua để tính toán, thiết kế phương án kĩ thuật phù hợp, khả thi, hiệu quả.
Hướng tuyến phải nghiên cứu thẳng nhất có thể nhằm giảm chi phí, bảo đảm tốc độ khai thác, tạo ra không gian phát triển mới, tiết kiệm chi phí; tránh các khu dân cư, đô thị lớn nhưng phải có phương án kết nối phù hợp; thuận tiện để kết nối ngắn nhất đến sân bay, cảng biển lớn; bảo đảm thuận tiện liên kết hành lang Đông - Tây và kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc Lào, Campuchia.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư, Thường trực Chính phủ yêu cầu, phải rà soát kỹ lưỡng suất đầu tư phù hợp nhất với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất nước và các yếu tố đặc thù của công trình để tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư chính xác nhất có thể, đủ tin cậy và thuyết phục.
“Phải hạn chế việc vượt tổng mức đầu tư do yếu tố chủ quan khi phê duyệt dự án đầu tư và tránh tình trạng đội vốn khi triển khai đầu tư, thi công công trình”, Thường trực Chính phủ nhấn mạnh