Thứ bảy, 18/01/2025 | 02:14
RSS

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đề nghị Bộ GTVT giải trình vì sao chọn tốc độ 350km/giờ?

Thứ ba, 01/10/2024, 07:36 (GMT+7)

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp để khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó tận dụng tối đa nội dung của Đề án đã trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Phó Thủ tướng lưu ý rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến Kết luận của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đề nghị Bộ GTVT giải trình vì sao chọn tốc độ 350km/giờ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (Ảnh: Chinhphu.vn).

Đồng thời, phải làm rõ những ý kiến của các Bộ, cơ quan, địa phương và của các chuyên gia trong lĩnh vực này để bảo đảm đồng thuận, thống nhất cao cả hệ thống chính trị, Nhân dân trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tải cần làm rõ hơn một số nội dung chủ yếu như: Bộ GTVT cần báo cáo rõ "cơ sở lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h đường sắt tốc độ cao gắn với công nghệ cao, hiện đại… và giải trình rõ hơn lý do tại sao không lựa chọn tốc độ thiết kế 250km/h"văn bản của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng.

Bộ GTVT cần bổ sung rõ các luận cứ để chứng minh cần thiết phải xây dựng toàn bộ tuyến, không phân kỳ theo từng đoạn theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị (nghiên cứu phân tích dựa trên hiệu quả đầu tư giữa phương án đầu tư toàn tuyến so với phương án phân kỳ.

Đồng thời ưu thế của từng phương thức đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt tốc độ cao ở cự ly nào là phù hợp nhất? trường hợp đầu tư phân kỳ từng đoạn thì có bảo đảm tính kết nối, đồng bộ hay không?...).

Về quan điểm vận tải hành khách là chủ yếu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT làm rõ việc vận chuyển hành khách là chủ yếu, đồng thời đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết, thông qua phương án khai thác, điều độ tàu (với vận tốc thiết kế là 350km/h, vận chuyển hành khách khai thác ở tốc độ 320 km/h và khi vận chuyển hàng hóa sẽ khai thác với vận tốc thấp hơn hoặc khung giờ ban đêm.

Đồng thời chỉ vận chuyển hàng nhẹ, hàng chuyển phát nhanh; đối với hàng hóa trọng tải lớn, hàng container sẽ sử dụng đường sắt hiện hữu và phương thức vận tải khác).

Phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế dựa trên các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; có cơ chế chính sách đặc thù để huy động vốn, tổ chức thực hiện dự án và kêu gọi các thành phần khác tham gia đầu tư một số hạng mục dự án.

Về đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần xem xét hiệu quả tổng thể của nền kinh tế khi có đường sắt tốc độ cao và đánh giá hiệu quả vận hành khai thác dự án đường sắt tốc độ cao.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đề nghị Bộ GTVT giải trình vì sao chọn tốc độ 350km/giờ

Mô hình đường sắt cao tốc Shinkansen của Nhật Bản là một trong những mô hình nghiên cứu dành cho Việt Nam (Ảnh: AL).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo: "Việc phát triển đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, độc lập tự chủ để hình thành một ngành công nghiệp đường sắt nói chung, gồm đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia".

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu xem xét đề xuất Đề án về phát triển ngành xây dựng đường sắt Việt Nam, trong đó lựa chọn một số doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân tham gia (thị trường của ngành đường sắt là đủ lớn).

Đồng thời, Bộ Công Thương được yêu cầu có góp ý trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và nghiên cứu xem xét đề xuất Đề án phát triển công nghiệp liên quan cơ khí, chế tạo cho ngành đường sắt (hạ tầng, quản trị, hệ thống điều khiển thông minh, sản xuất toa xe, đầu máy với lộ trình làm chủ ngay từ đầu hoặc chuyển giao từng bước); nghiên cứu có cơ chế giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoặc doanh nghiệp có năng lực tham gia.

Về phát triển nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo: Phát triển nguồn nhân lực cần tính toán đi trước một bước. Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty đường sắt Việt Nam nghiên cứu xem xét đề xuất Đề án phát triển nguồn nhân lực (sử dụng ngân sách nhà nước) để tiếp nhận công nghệ từ xây dựng phát triển hạ tầng, cơ khí, chế tạo, quản lý khai thác và điều hành…

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đề nghị Bộ GTVT giải trình vì sao chọn tốc độ 350km/giờ

Việt Nam đã hoàn thành 3 dự án đường sắt đô thị, hầu hết do các doanh nghiệp nước ngoài và liên doanh tham gia

Tại văn bản này, Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phân định rõ các nội dung Trung ương và địa phương theo khả năng, năng lực của từng địa phương; Trung ương (Bộ Giao thông vận tải) thống nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch, thiết kế chi tiết, công nghệ, trang thiết bị, đầu máy, toa xe… qua đó huy động nguồn lực đóng góp ngân sách của địa phương, từ nguồn quỹ đất dọc tuyến và đất tại các nhà ga (theo thiết kế TOD); cơ chế chính sách đổi đất lấy hạ tầng (TOD).

Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu nghiên cứu cơ chế để doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tham gia tiếp nhận, nghiên cứu phát triển công nghệ cơ khí, chế tạo, tự động hóa….

Trong đó, Bộ GTVT cần xác định rõ vai trò của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; lấy ngành đường sắt (đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia) để làm "cú huých" phát triển một số ngành quan trọng của nền kinh tế đất nước (bao gồm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…).

Với dự án có tầm chiến lược và ảnh hưởng tương lai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan nỗ lực, chủ động phối hợp chặt chẽ khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, công việc cần thiết để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV bảo đảm tiến độ, chất lượng theo quy định.

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương bổ sung hoàn thiện Hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trước ngày 01/10/2024) để phục vụ công tác thẩm định, trong đó lưu ý, rà soát cơ sở khoa học, thực tiễn, các vấn đề nêu trên, làm rõ, báo cáo cụ thể về các cơ chế, chính sách đặc thù để trình Quốc hội.

Nguyễn Tuyền
Theo Dân Việt