Giấy xác nhận độc thân phải ghi tên người dự định cưới trong trường hợp xin giấy phục vụ mục đích đăng ký kết hôn. Ảnh minh họa
Mấy ngày gần đây, mạng xã hội đang xôn xao lan truyền thông tin, từ ngày 16/7 khi Thông tư 04/2020/TT-BTP (Thông tư 04) do Bộ Tư pháp ban hành ngày 28/5/2020, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch có hiệu lực, giấy xác nhận độc thân phải ghi tên người dự định cưới.
Được biết, thông tư này sẽ thay thế Thông tư 15/2015/TT-BTP hiện hành.
Đáng chú ý, trong nội dung Thông tư 04 có Khoản 3 Điều 12 quy định: "Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp một (01) bản cho người yêu cầu. Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn".
Theo quy định này, trường hợp người dân khi đề nghị cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cụ thể là xác nhận tình trạng độc thân để đăng ký kết hôn thì giấy xác nhận độc thân được cấp phải ghi rõ mục đích "để kết hôn" và thông tin cá nhân của người dự định kết hôn.
Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết, chị Thanh Tuyền (Tây Hồ, Hà Nội) bày tỏ: "Tôi cũng được chia sẻ về thông tin này mấy hôm nay. Quy định mới này khiến tôi rất băn khoăn vì thấy có nhiều bất cập. Trong trường hợp cần cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để phục vụ công việc nhưng chưa có người dự định kết hôn thì phải làm như thế nào?".
Thực chất, quy định này thực ra không phải mới. Khoản 5 Điều 25 Thông tư 15/2015/TT-BTP hiện hành (sắp bị thế bằng Thông tư 04) hướng dẫn cách ghi thông tin trong giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như sau: Mục "Giấy này được cấp để" thì phải ghi đúng mục đích sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, không được để trống.
Ví dụ: Làm thủ tục mua bán nhà; bổ túc hồ sơ xin việc; làm thủ tục thừa kế; bổ túc hồ sơ đi du lịch nước ngoài; để kết hôn…
Trường hợp sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì phải ghi rõ họ tên, năm sinh, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định làm thủ tục kết hôn.
Việc phải ghi thông tin người dự định kết hôn chỉ áp dụng đối với trường hợp xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký hết hôn. Những trường hợp xin Giấy xác nhận với mục đích khác (mua bán nhà, hồ sơ xin việc, làm thủ tục thừa kế...) sẽ không ghi nội dung này.
Quy định này cũng được giữ nguyên tại Thông tư 04 sắp có hiệu lực.
Cụ thể, khoản 4 Điều 12 Thông tư 04 quy định: "Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác, không phải để đăng ký kết hôn, thì người yêu cầu không phải đáp ứng điều kiện kết hôn; trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ mục đích sử dụng, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn. Số lượng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp theo yêu cầu".
Như vậy, không phải bất cứ trường hợp nào khi yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cụ thể là xác nhận tình trạng độc thân, cũng bắt buộc phải có "người định cưới" như thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại việc ghi thông tin "người định cưới" vào giấy xác nhận độc thân có thể sẽ phát sinh những rắc rối cho người được ghi tên.
"Theo tôi, việc phải khai thông tin "người định cưới" là không cần thiết và có thể gây ra nhiều rắc rối không đáng có. Vì không thể biết trước được điều gì, kể cả dự định đã lên kế hoạch chi tiết nhưng vẫn có thể có biến cố thay đổi vào phút chót", anh Thanh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ.