Thứ năm, 28/03/2024 | 19:33
RSS

Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin 'tiêm vaccine không cần đăng ký'

Thứ tư, 21/07/2021, 15:59 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, làm rõ vụ tiêm vaccine phòng Covid-19 không cần đăng ký, không đúng đối tượng.

Sau khi báo chí phản ánh về trường hợp tiêm vaccine phòng Covid-19 không cần đăng ký, không đúng đối tượng tại bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, làm rõ, nếu thông tin chính xác phải chấn chỉnh, xử lý theo quy định và rút kinh nghiệm ngay, dứt khoát không để tái diễn.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương thực hiện nghiêm yêu cầu phân bổ vaccine theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Trong đó chú trọng chỉ đạo, thực hiện chiến dịch tiêm vaccine bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả, mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine, ưu tiên các đối tượng theo quy định của Chính phủ. Chấn chỉnh ngay và xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) trong quá trình phân bổ và tổ chức tiêm vacicne.

Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, trong ngày 20/7, Bộ Y tế đã chỉ đạo Thanh tra Bộ yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị báo cáo, giải trình cụ thể, chi tiết về vụ việc báo chí nêu. Báo cáo giải trình của Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị gửi về Thanh tra Bộ trước 10h ngày 21/7/2021.

Cũng trong ngày 20/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo kiểm tra thông tin liên quan việc tiêm vacicne phòng Covid-19 tại Bệnh viện Xanh Pôn; khẩn trương giải trình cụ thể các thông tin, báo cáo về Văn phòng UBND Hà Nội trước 12h ngày 21/7 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo UBND thành phố.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ vụ tiêm vaccine Pfizer nhờ ông ngoại, không cần đăng ký

Trường hợp cô gái được tiêm vaccine Covid-19 nhờ "ông ngoại", không cần đăng ký trước đang gây xôn xao dư luận

Trước đó, mạng xã hội xôn xao thông tin cô gái xinh đẹp ở Hà Nội khoe đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 nhờ mối quan hệ của "ông ngoại" mà không cần đăng ký. Cụ thể, theo nội dung được chia sẻ, một tài khoản Facebook có tên V.P.A. đã đăng tải thông tin thể hiện, dịch covid-19 ngày càng đáng sợ và mong muốn được tiêm vacicne; ngay sau khi có tin Hà Nội "giãn cách" thì "ông ngoại" đã gọi cô gái đi tiêm.

“Tối qua vừa đọc báo Hà Nội giãn cách thì ông ngoại gọi mai tiêm luôn, Pfizer con nhé mà thở phào nhẹ nhõm. Hoàn thành mũi một, vậy là cũng có nhiều chút yên tâm giữa đại dịch càng ngày càng đáng sợ… Cảm ơn ông bà ngoại lúc nào cũng kịp thời lúc các con cần" , tài khoản V.P.A. đăng tải trên trang cá nhân.

Kèm theo nội dung câu chuyện trên là hình ảnh Giấy xác nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19 do Bệnh viện Hữu nghị (Bộ Y tế) cung cấp. Đáng chú ý, khi nhiều bạn bè hỏi về việc cần đăng ký thế nào để được tiêm vaccine phòng Covid-19 thì tài khoản V.P.A. này cho biết, bản thân "không cần đăng ký" và chờ đăng ký sẽ lâu. 

Ngay sau khi được đăng tải, câu chuyện nêu trên đã lập tức thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội  Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc nhờ quan hệ của "ông ngoại" để đăng ký, được tiêm trong trường hợp này tạo ra sự bất công và đây là kiểu khoe khoang rất "hợm hĩnh" thể hiện "con ông cháu cha".

Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) cho biết, do cả nể nên một bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị đã đăng ký và tiêm vaccine cho cô gái có tài khoản Facebook tên là V.P.A, đồng thời khẳng định không có việc tiêm vaccine phòng Covid-19 tại bệnh viện mà không cần đăng ký.

Theo quy định ban hành đầu tháng 7 của Bộ Y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế được ưu tiên tiêm vaccine. 16 nhóm được ưu tiên tiêm, gồm: người làm việc trong cơ sở y tế công lập và tư nhân; người tham gia chống dịch; quân đội; công an; nhân viên, cán bộ ngoại giao và thân nhân được cử đi nước ngoài làm việc; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu, hàng không, vận tải, du lịch điện nước; giáo viên, học sinh, sinh viên, bác sĩ trẻ... thường xuyên tiếp xúc nhiều người; người mắc bệnh mạn tính, trên 65 tuổi; người sinh sống tại vùng dịch; người nghèo, chính sách xã hội; người được cử ra nước ngoài học tập, lao động, công tác; lao động (và thân nhân) làm việc tại khu công nghiệp, vận tải, tín dụng, du lịch, cơ sở dịch vụ thiết yếu; chức sắc tôn giáo; lao động tự do. Ngoài ra, các nhóm khác sẽ do Bộ trưởng Y tế hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, hoặc theo đề xuất của đơn vị viện trợ vaccine.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Thời đại