Thứ năm, 09/05/2024 | 03:32
RSS

Thủ tướng: 'Không vì giảm định mức mà cắt giảm giáo viên'

Thứ ba, 06/08/2019, 13:38 (GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc thực hiện định mức giáo viên còn máy móc. Ở đâu có học sinh thì phải bố trí giáo viên, không thể vì giảm định mức mà cắt giảm giáo viên, đẩy khó khăn lên vai phụ huynh, học sinh.

Sáng nay (6/8), Hội nghị Tổng kết năm học 2018 – 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 được tổ chức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Báo cáo tổng kết năm học 2018 – 2019, Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2019, Bộ GD-ĐT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm nhằm hình thành mạng lưới đào tạo giáo viên đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu về số lượng, cơ cấu và tăng cường năng lực giáo viên của các địa phương.

Đồng thời, Bộ cũng đã xây dựng Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập để hình thành được hệ thống cơ sở giáo dục đại học công lập với số lượng, cơ cấu hợp lý. Qua đó, tăng hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Thủ tướng: 'Không vì giảm định mức mà cắt giảm giáo viên'
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc hội nghị

Ngành giáo dục cũng đã xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu, đội ngũ ngành giáo dục. Hệ thống cơ sở dữ liệu đã giúp công tác quản lý giáo dục các cấp chủ động hoạch định các chính sách cho đội ngũ cũng như công tác chuẩn bị về số lượng, chất lượng đội ngũ.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định, trong khi một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục khá cứng nhắc chưa gắn với quy mô phát triển dân số.

Theo đó, hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%. Do vậy, không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.

Số lượng, chất lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp, năng lực phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại và kinh nghiệm thực tiễn của một số giảng viên còn hạn chế.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chưa bao giờ hội nghị tổng kết năm học lại có đông lãnh đạo các tỉnh, thành và bộ, ngành tham dự và dự đến cuối giờ như lần này. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành giáo dục.

Riêng vấn đề thừa – thiếu giáo viên ở nhiều địa phương hiện nay, nhiều địa phương chỉ bố trí giáo viên theo định mức quy định, dẫn đến quá tải. Hiện có lớp đến sĩ số trên 60 học sinh, trong khi định mức ngành giáo dục đặt ra là cấp tiểu học có 35 cháu/lớp, còn bậc trung học là 45 em/lớp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc thực hiện định mức giáo viên còn máy móc. Ở đâu có học sinh thì phải bố trí giáo viên, không thể vì giảm định mức mà cắt giảm giáo viên, đẩy khó khăn lên vai phụ huynh, học sinh.

Thủ tướng cũng cho rằng, việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh hiện chưa đúng mức, giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành cũng chưa được thực hiện tốt.  

“Dạy chữ, dạy kiến thức thì ngành giáo dục đã làm tốt rồi nhưng dạy đạo đức thì chưa dành đủ thời gian… Hệ quả là một số học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức lối sống của người Việt Nam Một số giáo viên cũng vi phạm, từ đó mới xảy ra các vụ như nâng điểm, ngược đãi học sinh…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Thủ tướng: 'Không vì giảm định mức mà cắt giảm giáo viên'
Năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong ảnh: Học sinh thi tuyển vào lớp 10 công lập tại TP.HCM

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu năm học 2019 – 2020, ngành giáo dục và các bộ, ngành có liên quan phải tạo ra chuyển biến trong giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh. Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục con em dù đã nói nhiều nhưng thực hành chưa được bao nhiêu, các bộ ngành cần phải coi lại. Bộ GD-ĐT rà soát lại chương trình đào tạo đạo đức lối sống trong các trường sư phạm, đảm bảo số giờ...

Còn theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên tắc giáo dục phổ thông là phải đảm bảo đủ trường, lớp, giáo viên để học sinh được học ngày 2 buổi, gần nhà. "Hiện nay, việc tuyển sinh đầu cấp vẫn còn rất căng thẳng, nghĩa là chúng ta chưa thực hiện được nguyên tắc. Hoạt động giáo dục phải “vì học sinh thân yêu”, như chính khẩu hiệu của ngành giáo dục", Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, những năm gần đây, giáo dục đã có nhiều chuyển biến trong việc lấy học sinh làm trung tâm, thể hiện ở ngay việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Ví dụ như lễ khai giảng năm học mới, một số trường đã thay đổi cách thức tổ chức. Theo đó, thầy - cô giáo thay vì chỉ ngồi trong bóng mát, trên hàng ghế đại biểu thì nay tham gia tổ chức đón học sinh mới nhập học, các đại biểu dự khai giảng thay vì ngồi trên, ngồi trước, học sinh ngồi sau nay đổi sang đại biểu ngồi xung quanh, học sinh ở giữa. Trước đây, đại biểu được bố trí dù che trong khi học sinh phải ngồi dưới cờ trong thời tiết nắng nóng…

Thuận Hải
Theo Dân Việt