Theo báo SGGP, ngày 1/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với 4 địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng về tình hình thiệt hại sau bão số 9 và bàn giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các địa phương báo cáo tình hình thiệt hại do bão lũ gây ra. Các bộ, ngành phải tham mưu Thủ tướng Chính phủ trong việc hỗ trợ cho miền Trung để nhân dân nhanh chóng khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: “Đối với các hộ có người chết và bị thương, người chết được hỗ trợ 10 triệu, người bị thương được hỗ trợ 5 triệu đồng. Đối với các cháu mất cả cha lẫn mẹ, mồ côi thì cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước sẽ bảo trợ cho các cháu, trừ các cháu mà quân đội, công an đảm nhận cho các cháu đi học thiếu sinh quân… nhưng về phía Nhà nước thì chịu trách nhiệm toàn bộ cho các cháu này.
Không để cháu nào mồ côi cha mẹ mà không có nơi học hành, không có nơi ăn uống và nuôi dưỡng. Riêng các cháu đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được đưa vào các trường phổ thông dân tộc nội trú nuôi theo quy định hiện hành”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng giao các công việc liên quan theo nhiệm vụ, lĩnh vực của các bộ ngành, quân khu 5, quân khu 4 trong việc giúp đỡ các địa phương miền Trung khắc phục hậu quả bão số 9 cũng như phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian đến. Đồng thời, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho quân khu 5 chăm lo cho các cháu xã Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) mất cha mất mẹ do sạt lở.
Vụ sạt lở vừa qua ở Trà Leng để lại những hậu quả nặng nề, nhiều đứa trẻ đang có gia đình yên ấm chỉ sau 1 đêm bỗng chốc mồ côi cha mẹ. Khi lớp đất đá ầm ầm đổ xuống ngôi nhà nhỏ của anh Đinh Văn Thiều và chị Vũ Thị Kim Hồng (thôn 1, nóc Ông Sinh, xã Trà Vân, H. Nam Trà My, Quảng Nam), cả nhà anh chị cùng nhiều gia đình tring thôn đến tránh trú cơn bão số 9 đang ở đây. Đã có 8 người tử vong, 12 người khác bị thương nặng trong số đó có 3 đứa trẻ mồ côi nhà anh Thiều chị Hồng.
Cô giáo Lê Thị Hồng Thanh (xã Trà Nam, H.Nam Trà My) kể với báo Thanh Niên, sáng sớm 29/10, ngay khi nghe tin vụ sạt lở kinh hoàng ở Trà Vân, rồi Trà Leng, những nạn nhân bị thương đưa đến Trung tâm y tế Huyện Nam Trà My, cô lập tức đến đây để tìm cách hỗ trợ.
“Nhìn những đứa trẻ bỗng chốc mất cả cha lẫn mẹ mà thương thắt ruột. Đứa hơn 2 tuổi ngơ ngác giữa những người xa lạ, cứ khóc đòi mẹ. Thương con. Ngủ dậy con gọi mẹ nhưng ba mẹ con đã mãi ra đi...”, cô Thanh xúc động chia sẻ.
Cô Thanh kể, đứa bé lớn học lớp 1 bị chấn thương gãy chân, khi hỏi nó vẫn biết ba mẹ nó không còn, nhưng ánh mắt thất thần chưa kịp cảm nhận nỗi đau quá lớn, nỗi mất mát vô bờ bến. Đứa nhỏ mới 2 tuổi thì ổn hơn, cứ thức dậy là khóc đòi mẹ.
Hay như từ khi nghe nhà bị núi lở vùi lấp, 4 anh em Hồ Thị Điệp (lớp 11, trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My) đã tức tốc về tìm kiếm ba mẹ bị vùi lấp. Điệp được thầy cô nhà trường đưa về, cả nhóm băng qua các điểm sạt lở, lội suối hơn 5 tiếng đồng hồ mới về đến xã Trà Leng.
Vừa đặt chân tới đầu dốc, thấy đống đổ nát, Điệp thất thần, ôm đầu sụp xuống khóc nức nở. Điệp gào khóc gọi lớn tên ba mẹ trong đau đớn. Lúc này, người trong làng dẫn em tới hai đống đất được phủ bạt trên đồi quế. Rồi họ nói, đây là 2 nấm mộ người dân làng làm để chôn cất ba mẹ Điệp. “Các anh ơi, ba mẹ chết rồi, 4 anh em mình sống sao đây”, Điệp khóc lớn.