Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:42
RSS

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc kiểm tra việc dạy học trực tiếp tại Tây Ninh

Thứ năm, 17/02/2022, 16:08 (GMT+7)

Sáng 17/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp trở lại.

Tham dự cùng với Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc có ông Trần Văn Lam - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Thể chất, đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT.
 
Phía tỉnh Tây Ninh có ông Võ Đức Trong - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Phước - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh cùng đại diện Sở Y tế và các phòng giáo dục…
 
Trước khi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đến thăm, kiểm tra các điều kiện an toàn trong dạy học tại Trường mầm non Rạng Đông, Trường Tiểu học Thị Trấn, Trường THCS Lý Tự Trọng (Thị xã Hòa Thành, Tây Ninh).
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc kiểm tra việc dạy học trực tiếp tại Tây Ninh
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác kiểm tra  công tác y tế tại TrườngTiểu học Thị Trấn (Thị xã Hòa Thành, Tây Ninh)
 
Tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp cao và đang tăng lên từng ngày
 
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Phước - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh cho hay toàn tỉnh có 8/9 huyện, thị xã, thành phố tổ chức cho học sinh mẫu giáo 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS và THPT đến lớp học trực tiếp từ ngày 14/2/2022, các trường thuộc Phòng GD&ĐT thị xã Trảng Bàng sẽ tổ chức cho học sinh đến trường học trực tiếp từ ngày 21/2.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc kiểm tra việc dạy học trực tiếp tại Tây Ninh
Ông Nguyễn Văn Phước - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh báo cáo tình hình đi học với đoàn công tác.
Kết quả tổ chức cho học sinh học trực tiếp tính đến ngày 15/2 chiếm tỷ lệ cao và đang tăng dần. Trong đó, bậc mầm non tổ chức cho học sinh mẫu giáo 5 tuổi đi học từ ngày 14/2. Kết quả đi học trực tiếp của học sinh tăng cao hơn so với số cam kết đi học, mỗi ngày tăng bình quân trên 760 em (tăng bình quân 6,0%/ngày)
 
Tuy nhiên, vẫn còn trên 4.727 em chưa đến trường.  Trẻ 5 tuổi đến trường là 9.119 trẻ (công lập 8.467 và tư thục 652 em), đạt tỉ lệ 65,85% so với tổng số trẻ trong danh sách tại trường (tăng 762 trẻ so với ngày 14/2). Theo  kế hoạch, từ ngày 21/2/2022 toàn tỉnh sẽ tổ chức cho trẻ em các độ tuổi còn lại ra lớp và sẽ tổ chức bán trú cho các trường có đủ điều kiện từ ngày 28/2.
 
Nói về nguyên nhân khiến một số trẻ chưa đi học, ông Nguyễn Văn Phước cho rằng do một số phụ huynh chưa mạnh dạn cho trẻ đến lớp, chờ nhà trường tổ chức lại bán trú mới cho trẻ đi học lại vì việc đưa đón trẻ gặp khó khăn về thời gian; một số trẻ bị bệnh thông thường không đến lớp, một số trẻ phụ huynh chưa yên tâm vì sợ ảnh hưởng dịch bệnh.
 
Đối với bậc Tiểu học, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp trong ngày tăng cao hơn 2,4% so với ngày trước, tỉ lệ học sinh tiểu học ra lớp 79.172/86.140 đạt 91,9%, số học sinh vắng 2475 em chưa liên lạc được, chiếm tỉ lệ 2,87% (giảm 1.904 em so với ngày 14/2).
 
Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh, các giải pháp hạn chế số học sinh vắng đang được Ban giám hiệu các trường tiểu học phân công giáo viên phụ trách trực tiếp liên lạc với gia đình để tìm hiểu nguyên nhân và có kế hoạch giáo dục phù hợp. Các học sinh không đi học trực tiếp được nhà trường linh hoạt tổ chức dạy học trực tuyến hoặc giao bài tập ôn tập tại nhà, hướng dẫn học qua truyền hình.
 
Đối với bậc THCS,  tổng số học sinh đi học trực tiếp đạt tỉ lệ trên 95,5% (tăng 1,5% mỗi ngày), số học sinh học trực tuyến trung bình 730 em, tỉ lệ 1,4%, (giảm 0,3%), số học sinh vắng bình quân trên 2.262 em chiếm tỉ lệ 3,4% (giảm 1,2% hằng ngày).
 
Trong đó học sinh lớp 6 đi học tăng 6,4% mỗi ngày, số em vắng (giảm bình quân 819 em/ngày, tỉ lệ 5,6%).  Còn  bậc THPT có tổng số học sinh đi học trực tiếp  chiếm tỉ lệ 96,8%, số học sinh học trực tuyến 5 em, chiếm tỉ lệ 0,02%; số học sinh vắng 962 em, chiếm tỉ lệ 3,2%.
 
“Hầu hết giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh đều có tâm lý sẵn sàng và đồng thuận với việc học trực tiếp do những hạn chế phát sinh trong thời gian học trực tuyến.
 
Cán bộ quản lý, giáo viên các trường có tinh thần trách nhiệm cao, tích cực chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh tới trường; liên hệ chặt chẽ với phụ huynh học sinh; làm tốt tuyên truyền, vận động để phụ huynh cho con em đến trường học trực tiếp.
 
Tỉnh đã chỉ đạo các ngành tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về việc tổ chức đi học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19; chỉ đạo các trường học phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền và phối hợp với cha mẹ đưa học sinh đến trường đảm bảo an toàn” - ông Nguyễn Văn Phước trình bày .
 
Linh hoạt giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác đánh giá cao tỉnh Tây Ninh trong việc khắc phục khó khăn theo chủ trương tạm dừng đến trường nhưng không dừng học, tổ chức dạy trực tuyến bằng nhiều phương pháp để học sinh duy trì việc học; Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo an toàn trong dạy học của các trường.
 
Trong đó, các trường tiểu học chuẩn bị khá tốt tâm lý cho học sinh lớp 1 khi đi học trực tiếp; các trường mầm non mở cửa đón trẻ khá thận trọng với tuần đầu đi học 1 buổi. Đồng thời, thứ trưởng và đoàn công tác lưu ý với địa phương thêm một số điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trực tiếp trở lại.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc kiểm tra việc dạy học trực tiếp tại Tây Ninh
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi làm việc
 
“Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, địa phương sớm đưa học sinh trở lại trường với từng bước thận trọng. Trong đó, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp tính tới thời điểm hiện tại khá cao, đang tăng hàng ngày, đảm bảo chất lượng nội dung kế hoạch năm học…”  - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhận định.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc kiểm tra việc dạy học trực tiếp tại Tây Ninh
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác dự tiết dạy thể dục tại Trường THCS Lý Tự Trọng.
 
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị địa phương tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT trong việc mở cửa lại trường học an toàn, kế hoạch học tập của năm học, khung thời gian năm học sẽ linh hoạt thêm, bộ sẽ có hướng dẫn thêm.
 
Đồng thời, để thực hiện tốt cho việc học trực tiếp, tỉnh cần tiếp tục rà soát, chuẩn bị lại các điều kiện, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc học trực tiếp, lưu ý đến các điểm trường được trưng dụng là điểm cách ly, cần sửa chữa lại đảm bảo cho việc dạy và học một cách tốt nhất.
 
“Khi mở cửa trường học địa phương cần quan tâm chỉ đạo công tác chuyên môn, dành thời gian ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh, tránh gây áp lực cho học sinh, nhất là đối với học sinh lớp 1. Trong quá trình đi kiểm tra một số lớp, nhiều em lớp 1 tuy lần đầu đi học trực tiếp nhưng đọc chữ khá lưu loát và viết chữ cũng khá đẹp…” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu.
 
Liên quan các vấn đề kiểm tra, đánh giá, thứ trưởng đề nghị địa phương bám sát theo các hướng dẫn của Bộ, trong đó chú trong thời gian còn lại của năm học để đảm bảo chất lượng, bù đắp kiến thức cho học sinh.
 
“Đại dịch khiến việc chuyển đổi số của ngành giáo dục diễn ra rất nhanh. Địa phương cần tiếp tục khai thác lợi thế của tài nguyên học liệu trực tuyến đã tích góp trong đại dịch, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa học trực tiếp và trực tuyến… để nâng cao chất lượng giáo dục…” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc lưu ý.
 
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng đề nghị địa phương lưu ý sự phối hợp giữa ngành y tế với ngành giáo dục, cần rà soát, chuẩn bị chu đáo, phân công trách nhiệm rõ ràng để không ảnh hưởng đến việc học, cố gắng duy trì việc mở cửa trường học.
 
Trong đó, đối với cơ sở giáo dục cần tăng cường các giải pháp, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, xử lý tình huống có thể xảy ra…, Đặc biệt, lưu ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với phụ huynh, phối hợp cùng xử lý khi xảy ra tình huống.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc kiểm tra việc dạy học trực tiếp tại Tây Ninh
TThứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác kiểm tra khả năng đọc chữ của học sinh lớp 1 tại TrườngTiểu học Thị Trấn (Thị xã Hòa Thành, Tây Ninh)
 
Liên quan đến Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT mới), các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, Thứ trưởng cho rằng qua khảo sát còn một số khó khăn, hạn chế… do đó cần có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh.
 
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc thay mặt đoàn công tác tiếp thu ý kiến đề xuất của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh về biên chế, đội ngũ giáo viên. Sắp tới ngành sẽ có rà soát, thống nhất chỉ đạo công tác dạy học trong điều kiện dịch bệnh và hướng dẫn phù hợp hơn với tình hình thực tế...
H.N
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại