Thứ năm, 28/03/2024 | 16:51
RSS

Thứ không thể thiếu trong nhà nhưng rất dễ gây độc, cách xử lý nhanh để tránh nguy hiểm không phải ai cũng biết làm

Thứ ba, 02/03/2021, 06:41 (GMT+7)

Nhiệt kế là thứ không thể thiếu trong nhà nhưng dễ gây ngộ độc khi chẳng may bị vỡ. Chỉ cần xử lý chậm một chút là rất nguy hiểm. Cách xử lý nhanh để tránh nguy hiểm không phải ai cũng biết làm.

Ngộ độc vì nhiệt kế thủy ngân vỡ

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) vừa qua đã tiếp nhận điều trị cho trường hợp bị nhiễm độc thủy ngân nhiệt kế. Trước đó, người nhà bé N.N.Y. (11 tuổi, ở Thái Bình) khi vẩy nhiệt kế thủy ngân để vạch thủy ngân trở về mức ban đầu đã sơ ý để vỡ. Nhiệt kế vỡ chọc mạnh vào tay cháu. 6 ngày sau, gia đình mới đưa vào viện kiểm tra do sợ bị nhiễm độc thủy ngân.

Khi vào viện, vết thương ở tay cháu bé đã nhiễm trùng, áp xe. Kết quả chụp X-quang cho thấy, ngón tay của cháu thấy có nhiều hạt thủy ngân ở bên trong phần mềm sát khớp bàn ngón trỏ tay trái.

Bệnh nhi đã điều trị nhiễm trùng trước. Sau đó xét nghiệm, chụp cắt lớp, siêu âm để đánh giá kỹ số lượng hạt thủy ngân và vị trí chính xác để chuẩn bị mổ loại bỏ các hạt thủy ngân. Theo các bác sĩ, phải lấy hết nhưng không được để thủy ngân rơi mất ra ngoài. Cuộc mổ được chuẩn bị kĩ lưỡng, khi thu gom không dùng máy hút vì thủy ngân bay hơi gây nhiễm độc cho những người trong phòng mổ.


Nguy hiểm khi nhiệt kế thủy ngân vỡ. Ảnh TL

Trong thực tế, đã có những trường hợp nhập viện do ngộ độc thủy ngân nhiệt kế. Theo BS Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, thủy ngân trong nhiệt kế là dạng thủy ngân nguyên chất, thể lỏng, không tan trong nước, có thể bốc hơi tương đối ở nhiệt độ phòng. Y văn thế giới mới chỉ ghi nhận một vài trường hợp nhiễm độc thủy ngân do tiêm thủy ngân dạng này qua da. Khi các hạt thủy ngân này được tiêm qua da hoặc xâm nhập vào vết thương rất dễ hấp thu vào máu, gây độc cơ thể, đặc biệt ở vị trí nhiều mạch máu.

Xử lý sao để tránh nhiễm độc?

Với những gia đình có con nhỏ gần như đều có nhiệt kế để dùng khi con sốt. Mặc dù đã có nhiệt kế điện tử, nhiều gia đình vẫn dùng thêm nhiệt kế thủy ngân để tăng độ chính xác. Thứ không thể thiếu trong gia đình này tiềm ẩn mối nguy hiểm khi trẻ nhỏ nghịch, cắn phải… Rất có thể bé sẽ hít phải loại khí độc hại này.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn - nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu bé cắn phải nhiệt kế thủy ngân có thể xảy ra ngộ độc thủy ngân cấp vào thận gây biến chứng về suy thận, viêm thận. Nếu hít phải trực tiếp vào máu, phổi sẽ rất độc.

Không hiếm cha mẹ khi thấy con nuốt phải thủy ngân ở nhiệt kế liền hốt hoảng tìm cách gây nôn, móc họng. Làm như thế, trẻ dễ sặc, thủy ngân tràn vào phổi khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Cha mẹ cần bình tĩnh, nhanh chóng đưa con vào cơ sở y tế gần nhất. Bệnh nhân sẽ nhanh chóng được giải độc thủy ngân.

Trường hợp thủy ngân trong nhiệt kế bị vỡ, chảy ra ngoài không dùng máy hút vì thủy ngân bay hơi, người hít phải dễ bị ngộ độc. Chúng ta có thể loại bỏ thủy ngân bằng cách gạt hoặc quét đi bằng chổi lông mềm. Cũng có thể dùng bông ướt để thu gom mảnh vỡ và thủy ngân trên mặt đất.

Khi thu gom nhớ đeo gang tay, không để cho giọt thủy ngân tiếp xúc với da tay và làm nhẹ nhàng tránh các hạt thủy ngân bị phân ly thành nhiều hạt nhỏ. Bông ướt sau khi thu gom cần cho vào túi nilon vứt vào thùng phân loại rác. Mọi người tránh vứt xuống nước làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Sau từ 1-2 tiếng có thể bắt tay vào lau dọn nền nhà lại cho sạch sẽ.

Trường hợp thủy ngân dính vào quần áo cần ngâm quần áo trong nước lạnh 30 phút, ngâm thêm 30 phút nữa trong nước xà phòng ở nhiệt độ 70 - 80 độ. Sau đó ngâm 20 phút trong nhiệt độ cao trong nước pha hóa chất và xả bằng nước lạnh.

Hà My
Theo Giadinh.net