Chủ nhật, 01/12/2024 | 13:43
RSS

Thoát hiểm qua khe cửa hẹp

Thứ năm, 14/11/2024, 17:51 (GMT+7)

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã giữ được cương vị cầm quyền qua cuộc bầu thủ tướng ở quốc hội, cho dù liên minh của ông không chiếm đa số.

Minh họa/INT

Ở cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn vừa qua, Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) do ông Ishiba đứng đầu và đảng Komeito cùng liên minh cầm quyền không bảo vệ được đa số trong quốc hội.

Nếu các đảng phái chính trị khác đoàn kết và thống nhất được với nhau thì sẽ thành lập được chính phủ mới và sẽ không để cho ông Ishiba tiếp tục làm thủ tướng, cũng như liên minh LDP - Komeito được tiếp tục cầm quyền. Lần đầu tiên kể từ gần 30 năm nay, chính phủ cầm quyền ở Nhật Bản lại là thiểu số.

Như thế cũng có nghĩa là nền tảng quyền lực của phe cầm quyền không còn vững vàng và ổn định. Vị thế của LDP và của ông Ishiba đã suy yếu. Trong thời gian làm Thủ tướng Nhật Bản, ông Ishiba sẽ phải lụy một số đảng nhỏ khác và sẽ phải chấp nhận không ít nhượng bộ đau đớn cho họ, chẳng hạn như giảm thuế và bù trợ tài chính cho sử dụng năng lượng, để đổi lấy sự đồng ý về những chính sách khác.

Nói theo cách khác, chính phủ thiểu số hiện tại của ông Ishiba chừng nào còn tồn tại thì chừng đó phải cộng sinh với nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào.

Ở cuộc bầu thủ tướng vừa qua, ông Ishiba đã thoát hiểm qua khe hẹp theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đấy là khe hẹp của luật pháp hiện hành ở Nhật Bản, cụ thể là cho phép các dân biểu trong Hạ viện tiến hành nhiều vòng bầu thủ tướng nếu không bầu được ai ở vòng đầu tiên.

Trong cuộc bầu chọn này, đối thủ chính trị của ông Ishiba là cựu Thủ tướng Yoshihiko Noda. Vòng bầu đầu tiên khép lại, cả hai người đều không giành được đa số. Ông Ishiba được bầu làm thủ tướng vì ở những vòng bầu chọn sau đấy trong Hạ viện áp dụng quy định ứng cử viên nào giành được nhiều phiếu bầu nhất sẽ làm thủ tướng.

Ở vòng thứ 2 này, ông Ishiba cũng không giành được đa số, nhưng nhiều phiếu bầu hơn ông Noda. Ông Ishiba thoát hiểm, song điểm xuất phát không thể được coi là thuận lợi cho nhiệm kỳ cầm quyền.

Qua được cửa ải bầu chọn ở quốc hội nhưng ông Ishiba phải trực diện thách thức lớn mới là sự trở lại của ông Donald Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ Người này chắc chắn sẽ lại áp thuế quan làm công cụ và vũ khí để thực thi những chính sách và quyết sách bảo hộ thương mại.

Nền kinh tế Nhật Bản không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực vì định hướng và phụ thuộc vào xuất khẩu. Thách thức lớn đối với ông Ishiba là khôi phục thanh danh và uy tín, vị thế và ảnh hưởng cho đảng LDP ở Nhật Bản sau thất cử thê thảm vừa rồi.

Áp lực lớn đối với ông Ishiba đến từ sự không hài lòng và bất bình của người dân xứ Phù Tang về khó khăn trong cuộc sống thường nhật, tình trạng giá cả sinh hoạt cao... và an ninh, quốc phòng mà Nhật Bản lâu nay vẫn cảm nhận do chính sách của Trung Quốc CHDCND Triều Tiên và Nga gây ra cho Nhật Bản.

Phải rất khó khăn, ông Ishiba mới đến được đỉnh cao quyền lực ở Nhật Bản như hiện tại. Như thế đã được coi là thành danh. Nhưng chỉ có thành danh không thôi thì chưa thể đủ giúp ông thành công trong cầm quyền ở vào thời điểm đầy sóng gió và khó khăn cả về đối nội lẫn đối ngoại.

Phù Dung
Theo Giáo dục & Thời đại