Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói sẽ điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tương lai gần.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Đức ARD đầu tuần này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz được hỏi liệu ông có còn cân nhắc đối thoại với Putin hay không.
Thủ tướng Scholz đã trả lời rằng, ông đang có kế hoạch điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin "trong tương lai gần", với điều kiện là sau khi đạt được sự đồng thuận với "các đối tác".
Khi được hỏi rằng, "thời điểm thích hợp" là khi nào, Thủ tướng Đức nói rằng, một cuộc trò chuyện có khả năng sẽ sớm diễn ra.
"Vâng, tôi sẽ nói chuyện với tổng thống Nga vào thời điểm thích hợp. Nhưng tôi sẽ không làm điều đó một cách đơn phương. Nó liên quan đến nhiều cuộc tiếp xúc và đàm phán với nhiều người, mà tôi đã tích cực theo đuổi trong một thời gian dài" - Thủ tướng Scholz nhấn mạnh.
Ông Scholz trước đó đã bày tỏ ý định nói chuyện với nhà lãnh đạo Nga và cố gắng đàm phán để chấm dứt xung đột Ukraine, vốn đã leo thang vào năm 2022.
Tháng trước, ông tái khẳng định mong muốn được nói chuyện với Tổng thống Putin “khi thời điểm thích hợp”, nhấn mạnh rằng một cuộc thảo luận như vậy sẽ không bao giờ diễn ra “trên đầu Ukraine và không bao giờ diễn ra mà không có sự cân nhắc với các đối tác thân cận nhất của chúng tôi”.
Sau đó, Moscow đã bác bỏ khả năng đàm phán với Berlin, nói rằng hai nhà lãnh đạo "không có vấn đề chung" nào để thảo luận.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức đã không nói chuyện kể từ tháng 12 năm 2022, khi họ thảo luận về lý do cho hoạt động quân sự của Nga.
Đầu năm nay, Thủ tướng Scholz cho biết một hội nghị về việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc giao tranh sẽ sớm được tổ chức và được cho là đã lên kế hoạch mời Moscow đến "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" tiếp theo.
Một sự kiện do Thụy Sĩ tổ chức vào mùa hè năm ngoái tập trung vào "công thức hòa bình" của Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky - một danh sách mong muốn gồm 10 điểm.
Phía Moscow đã bác bỏ điều này, coi đó là ảo tưởng. Nga đã không được mời đến cuộc họp tại Thụy Sĩ dù là một bên trong cuộc xung đột. Cuộc họp này đã không mang lại bất kỳ kết quả cụ thể nào.
Phía Nga cho biết quan hệ giữa hai nước đã "giảm xuống gần như bằng không", đồng thời khẳng định rằng họ chỉ quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình với "quốc gia thực sự chỉ đạo toàn bộ tiến trình".
Trong khi đó, Đức là quốc gia ủng hộ Ukraine với việc cung cấp hàng tỷ euro viện trợ quân sự kể từ tháng 1 năm 2022. Đóng góp của nước này cho Ukraine chỉ đứng thứ hai sau Mỹ
Tuy nhiên, Đức đang có kế hoạch giảm gần một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới, từ khoảng 8 tỷ euro (8,7 tỷ USD) xuống còn 4 tỷ euro, theo dự thảo ngân sách được chính phủ phê duyệt.
Thủ tướng Đức cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp của đất nước với làn sóng đóng cửa các nhà máy lâu đời. Chi phí năng lượng sau khi Đức từ chối nguồn khí đốt giá rẻ của Nga đã khiến khả năng cạnh tranh của Đức so với các quốc gia khác bị tụt giảm nghiêm trọng, cũng như sự dâng lên của các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc và Mỹ.