Thứ hai, 25/11/2024 | 05:15
RSS

Thiếu nữ chết sau vài ngày cảm cúm

Thứ tư, 09/11/2016, 18:30 (GMT+7)

Một thiếu nữ 17 tuổi đã tử vong chỉ sau vài ngày cảm cúm đã khiến các bác sĩ phải lên tiếng cảnh báo bệnh cảm cúm không đơn giản như nhiều người vẫn tưởng.

Buổi tối hôm đó, Khuyên (Chu Châu, Trung Quốc) cảm thấy trong người không được khỏe, cô nghĩ rằng mình có thể bị cảm lạnh do thời tiết thay đổi. Ngày hôm sau, cô bắt đầu thấy xuất hiện triệu chứng chóng mặt đi kèm với ho.

Dù dấu hiệu bệnh đã trở nên nặng hơn nhưng cô vẫn nghĩ rằng nó chỉ là một triệu chứng của bệnh cảm lạnh thông thường nên không để ý nhiều.

Thật nguy kịch là đến khoảng 2h sáng ngày thứ 3 bị sốt, cô đột nhiên cảm thấy bệnh đang tiến triển nặng hơn, đau họng không thể ngủ được. Cô báo với cha mẹ cho đi viện gần nhà để kiểm tra. Sau điều trị thì các triệu chứng cũng được giảm bớt.

Tuy nhiên, đến 11h trưa cùng ngày thì các triệu chứng bệnh tiếp tục tăng lên, cô bắt đầu cảm thấy khó thở. Ngay lập tức gia đình làm thủ tục chuyển tuyến, đưa cô đến Bệnh viện Trung tâm thành phố để cấp cứu.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung tâm thành phố Chu Châu chẩn đoán rằng đã tìm thấy dấu hiệu amidan sưng, nhịp tim đập 130 lần/phút, chỉ số ECG cho thấy cô đang bị rối loạn nhịp tim.

Ngay lập tức các bác sĩ lên phác đồ điều trị tim mạch ICU nhưng thật không may, chạy máy đo khoảng 2 tiếng sau thì Khuyên Khuyên rơi vào tình huống ngưng tim và tử vong nhanh chóng. Các bác sĩ không kịp trở tay.

Bác sĩ Trác Ngọc, chủ nhiệm khoa ICU, Bệnh viện Trung tâm Thành phố Chu Châu, người trực tiếp cấp cứu và điều trị cho Khuyên cho biết, kết quả khám nghiệm tử thi bước đầu cho thấy, nguyên nhân tử vong có thể là do chứng viêm cơ tim cấp tính nghiêm trọng.

Các bác sĩ khuyến cáo, dù là những người có sức đề kháng tốt bao nhiêu, cơ thể càng có nhiều khả năng sinh ra chuỗi phản ứng miễn dịch mạnh hơn.

Vì thế, kể cả đối với những người khỏe mạnh, một khi bị nhiễm lạnh hoặc sốt vi rút, sau khi bị sốt cao, liên tục sốt kéo dài qua đêm mà kèm theo dấu hiệu cơ thể mệt mỏi, sẽ có thể là điều kiện để vi rút xâm nhập, gây hại cho cơ thể.

Bên cạnh đó, những người sau khi bị mắc cảm lạnh mà không chú ý đến việc nghỉ ngơi chăm sóc sức khỏe hợp lý, kèm theo việc tham gia các bài tập thể chất hoặc chơi thể thao cường độ cao cũng có thể là điều kiện tốt để vi rút độc hại tấn công, khiến cho cơ thể bị nhiễm vi rút nhanh chóng.

Việc bị cảm lạnh, sau đó lại tạo "điều kiện tốt" cho vi rút cảm tấn công cơ thể, đặc biệt là xâm nhập vào cơ tim chính là nguyên nhân gây tử vong trong nhiều trường hợp.

Bệnh cúm được xem là bệnh của đường hô hấp nhưng lại gây ảnh hưởng toàn bộ cơ thể. Bệnh có thể gặp ở tất cả các nhóm tuổi, nhưng thường xảy ra ở trẻ em, người già và những người có bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi mạn tính, đái tháo đường, bệnh tim mạch…

Giai đoạn đầu của cúm thường kéo dài khoảng 3 ngày gồm các triệu chứng như sốt, lạnh run, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, ăn không ngon. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Sốt là triệu chứng quan trọng, nhiệt độ thường tăng nhanh và cao đến 40 – 41°C, sốt thường kéo dài 3 ngày đầu, nhưng có thể đến 4 – 8 ngày.

Bệnh cúm có thể phòng ngừa bằng cách tiêm phòng. Hiệu quả của việc phòng cúm bằng vaccine đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu lâm sàng. Đa số các quốc gia trên thế giới khuyến cáo người dân cần tiêm phòng trong suốt mùa cúm, nhất là đối tượng trẻ em, người già và những người có bệnh mạn tính.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, việc tiêm phòng vaccine đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm tử vong do cúm đến 70 – 80%. Ngay cả người khoẻ mạnh, việc tiêm phòng cúm làm giảm 70 – 90% nguy cơ mắc bệnh cúm.

Quỳnh Anh (T/H)
Theo Đời sống Plus