Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:18
RSS

Xây dựng các dự án BOT: Người dân luôn bị đặt vào sự đã rồi

Thứ tư, 23/08/2017, 09:42 (GMT+7)

Cơ chế thu phí thiếu minh bạch, chưa làm tốt công tác tham vấn cộng đồng. Người dân không được tham gia vào quá trình dự toán dự án, đến khi trạm thu phí hoàn thành, người dân được đặt vào sự đã rồi.

Những ngày vừa qua, vụ lùm xùm ở BOT Cai Lậy đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía dư luận. BOT Cai Lậy chỉ mới đưa vào khai thác từ ngày 1/8 nhưng đến nay đã phải trải qua 4 lần xả trạm. Từ ngày 15/8 đến nay, BOT Cai Lậy quyết định mở cửa cho xe đi lại tự do qua trạm và chưa có thời gian cụ thể để thu phí trở lại.

Tình trạng lùm xùm như ở BOT Cai Lậy không phải là lần đầu tiên xảy ra. Trước đó, những vụ việc tương tự xảy ra tại BOT Bến Thủy, BOT Cầu Rác… Nhiều người thực sự lo ngại, nếu không có phương án xử lý cũng như điều chỉnh kịp thời những vấn đề tồn đọng ở BOT Cai Lậy, hệ lụy của tình trạng này rất khó lường.

Nhiều chuyên gia đã đi tìm nguyên nhân, vì sao các trạm BOT thường xuyên xẩy ra tình trạng như vậy?

lùm xùm các dự án BOT

Lùm xùm các dự án BOT hiện nay nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Ảnh Báo Đấu Thầu

Hiện tại, hình thức BOT giao thông chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước thực hiện, chưa thu hút được vốn đầu tư nước ngoài.

Thực tế, vị trí trạm thu phí, mức phí còn rất nhiều điều bất cập và thiếu minh bạch. Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về tính hiệu quả của dự án như mức lợi nhuận của nhà đầu tư, thời hạn nhà đầu tư được nhà nước nhượng quyền thu phí của người sử dụng dịch vụ, giá sử dụng công trình/dịch vụ công, mức độ tham gia của nhà nước chưa rõ ràng.

Một phần do áp lực đầu tư, áp lực về hoàn thiện hạ tầng giao thông để đồng bộ nên một số dự án chưa có sự nghiên cứu và chuẩn bị kỹ. Các dự án BOT chủ yếu do các nhà đầu tư đề xuất, do vậy cá biệt một số dự án còn mang tính chủ quan của các nhà đầu tư.

lùm xùm ở các trạm BOT

Lùm xùm ở các trạm BOT đang thực sự khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Ảnh Tri Thức Trực Tuyến

Việc quy định trạm thu phí phải phù hợp theo quy hoạch, đảm bảo khoảng cách 70 km. Trên thực tế có những trạm đặt không đúng, thậm chí đặt trạm thu phí luôn cả tuyến khác cạnh BOT, tạo ra dư luận không tốt.

Mặt khác, người dân không được tham gia vào quá trình dự toán dự án, đến khi trạm thu phí hoàn thành, người dân được đặt vào sự đã rồi. Sự thiếu minh bạch còn nằm ở con số thu chi tại các dự án BOT. Tuy rằng đa số các chủ đầu tư đều có hợp đồng vay tín dụng với ngân hàng nhưng cơ chế lãi suất không được công khai, minh bạch.

Vì thế, cần phải có cơ chế để người dân được tham gia một cách thực chất, nói lên tiếng nói của mình để có thể tránh được tình trạng rối ren như hiện nay.

Mai An
Theo Đời sống Plus/GĐVN