Thứ bảy, 27/04/2024 | 13:37
RSS

Vì sao cứ nhắc đến BOT người dân lại có phản ứng thái quá?

Thứ ba, 22/08/2017, 10:46 (GMT+7)

Sự bức xúc của người dân dành cho các trạm thu phí BOT ngày một gia tăng. Câu hỏi đặt ra ở đây là việc cơ quan quản lý đã làm gì để khiến việc thu phí phát sinh hàng loạt vấn đề lùm xùm.

Dư luận gần đây đang hướng sự quan tâm vào trạm thu phí Cai Lậy với những lùm xùm xung quanh. Tuy nhiên, Cai Lậy không phải là trạm BOT đầu tiên gặp phải sự phản đối của người dân, Trước đó, các trạm BOT Bến Thủy (Hà Tĩnh), cầu Rác (Nghệ An), tuyến BOT Thái Nguyên – Chợ Mới, trạm Lương Sơn (Hòa Bình)... cũng đã vấp phải tình trạng tương tự.

Một số trạm thu phí như BOT Bến Thủy còn kéo theo tình trạng tranh cãi giữa lãnh đạo 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Có thể thấy, tâm lý phản đối các trạm thu phí BOT đang dần lan rộng, biến thành những hành vi khó kiểm soát như: dùng tiền lẻ mua vé, đưa lợn quay tới trạm BOT để cúng bái…

Lùm xùm quanh các trạm BOT

Lùm xùm quanh các trạm BOT nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Ảnh Tiền Phong

Theo các chuyên gia, việc thu phí BOT hiện nay nổi lên hai vấn đề đáng lo ngại là khoảng cách đặt trạm và mức thu phí. Những bức xúc của người dân hầu hết đều liên quan đến hai vấn đề này, mà nguyên nhân chủ yếu là khâu quản lý, mức thu, thời gian, khoảng cách đặt trạm thiếu công khai, minh bạch.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nói rằng, tình trạng người dân phản đối về việc đặt trạm thu phí cũng như cách xử lý của các cấp ban ngành khiến ông thực sự lo ngại. Nếu không xử lý kịp thời có thể sẽ lây lan sang các khu vực khác. Chính tình trạng trạm BOT dày đặc, không đảm bảo khoảng cách, thiếu tính minh bạch mới dẫn đến bức xúc trong dân.

Theo quy định, các trạm thu phí BOT phải cách nhau tối thiểu 70km. Thế nhưng, trong báo cáo giám sát mới đây của Quốc hội, 79/88 trạm thu phí BOT có khoảng cách dưới 70km (tương đương với 90% số trạm). Nhiều trạm đặt không đúng vị trí, người dân không đi vẫn phải trả tiền, hay làm đường một nơi lại thu phí một nẻo. Có trường hợp như Chủ đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì (Phú Thọ) còn đem cả ụ bê-tông ra chặn đường lưu thông của người dân khi không thu phí được.

Hình thức thu phí vừa thiếu công bằng vừa khiến người dân nghi ngờ về tính minh bạch. Chính vì thế, các tài xế tìm mọi cách để đi vào các tuyến đường nhỏ của địa phương để tránh trạm gây nên tình trạng mất an toàn giao thông và hư hỏng tuyến đường.

Các trạm thu phí BOT

Tình trạng các trạm thu phí BOT quá dày đặc khiến người dân bức xúc. Ảnh KTĐT

Một trong những thực tế đặt ra chưa có lời giải đáp là việc các trạm thu phí mọc lên ồ ạt như “ma trận” khiến người dân “tối tăm mặt mũi”. Từ đấy, người dân nảy sinh ý định chống đối, bài xích với những trạm BOT.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc bức xúc cũng như dẫn tới những hành động trên của người dân là rất có cơ sở. Nhiều ý kiến còn cho rằng làm đường để phát triển kinh tế, xã hội chứ không phải để kiếm lời cho doanh nghiệp.

Theo lời chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, những vụ lùm xùm liên quan đến trạm thu phí không chỉ khiến người dân thất vọng mà còn khiến cả các nhà đầu tư hoang mang, dè dặt khi rót vốn vào hạ tầng giao thông nội địa.

Mai An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN