Ngày 23/9, báo Tiền Phong đưa tin, tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã báo cáo với Hội đồng về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019-2020 cũng như định hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo.
Thi tốt nghiệp THPT 2021 cơ bản vẫn giữ ổn định
Về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo phương án mới nhất của Bộ GD-ĐT là sẽ giữ ổn định, trên tinh thần không gây xáo trộn cho việc dạy học lớp 12 năm học này. Để đảm bảo sự thống nhất trong đánh giá trên toàn quốc, Bộ tiếp tục tổ chức xây dựng, cung cấp đề thi cho các địa phương. Đồng thời, có quy định (ma trận/cấu trúc đề thi, ngân hàng câu hỏi, quy trình thực hiện) và giải pháp hỗ trợ các địa phương xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để có đủ điều kiện chủ trì ra đề thi các năm sau.
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Hình thức tổ chức thi kết hợp cả hình thức thi trên giấy và thi trên máy tính.
Các bài thi gồm: 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ); 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiêm gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi Khoa học Xã hội gồm tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh THPT (đối với thí sinh GDTX thì gồm các môn Lịch sử, Địa lý).
Hình thức thi kết hợp cả hình thức thi trên giấy (theo phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020) lẫn thi trên máy tính.
Các địa phương được khuyến khích tổ chức thi trên máy tính khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện: ngân hàng câu hỏi, nhân lực, thiết bị, quy trình… theo các quy định của Bộ GD&ĐT và thí sinh đã được làm quen với hình thức thi trên máy tính. Thi trên máy tính phải được tính toán để đảm bảo các yêu cầu tương quan với thi trên giấy và thí sinh có thể được dự thi một số lần trong năm.
Ảnh minh họa
Lộ trình thực hiện phương án thi cho từng năm trong giai đoạn 2021 - 2025
Năm 2021 tổ chức thi cơ bản giữ ổn định như năm 2020; ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định về xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi, quy định về tổ chức thi trên máy tính và thực hiện các thủ nghiệm cần thiết.
Từ năm 2022, tổ chức thi cơ bản như năm 2020, từng bước triển khai thi trên máy tính (các địa phương đủ điều kiện) và giao các địa phương đủ điều kiện xây dựng và sẻ dụng ngân hàng câu hỏi để thi phù hợp với điều kiện của địa phương.
Từ năm 2023, chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, đề thi phục vụ cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2025 với các hình thức thi trên máy tính do địa phương chủ trì toàn diện. Bộ GD&ĐT cũng khẳng định chỉ sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Tuyển sinh Đại học các năm tới
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay thực hiện lộ trình đổi mới từng bước để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, tránh gây xáo trộn lớn đồng thời thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định.
Tăng cường tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH trong tuyển sinh; công bằng giữa các thí sinh, xã hội giám sát, từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới về giáo dục. Bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới tuyển sinh; cơ sở đào tạo có phương án và kế hoạch triển khai rõ ràng và thực hiện đúng cam kết; công tác tuyển sinh của các trường cần ổn định trong nhiều năm, nếu dự định thay đổi lớn cần thông báo trước 3 năm.
Đồng thời, Bộ cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH liên kết để tổ chức các kỳ thi kiểm tra, đánh giá năng lực và sử dụng chung kết quả tuyển sinh; từng bước hình thành các tổ chức khảo thí liên kết độc lập, tránh tình trạng thí sinh phải tham dự nhiều kỳ thi gây áp lực và lãng phí.
Tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên có cơ chế chính sách hỗ trợ sớm đi vào thực tiễn; linh hoạt trong nguồn tuyển. Tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của quá trình tuyển sinh đại học cao đẳng.