Mùa mưa là thời điểm TP.HCM bước vào mùa dịch sốt xuất huyết với số ca mắc đã bắt đầu tăng. Ảnh Nguyễn Mi
Theo Báo Tuổi Trẻ thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết tuần qua, TP ghi nhận có 65 trường hợp bệnh mắc sốt xuất huyết. Như vậy, tổng số ca mắc sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay là 6.478 trường hợp, giảm 70,1% so với cùng kỳ năm 2019 (21.631 ca), chưa có trường hợp tử vong.
Cũng trong tuần qua, TP ghi nhận thêm 6 ổ bệnh nhỏ sốt xuất huyết mới phát sinh ở 7 phường, xã thuộc 4/24 quận, huyện, tăng 2 ổ bệnh mới so với tuần trước. Tuy vậy, số liệu người mắc sốt xuất huyết tuần qua giảm 43,8% so với trung bình 4 tuần trước (116 ca). Hiện ngành y tế đã xử lý phun hóa chất, diệt loăng quăng tại các ổ bệnh và những điểm nguy cơ tại 15 phường, xã thuộc 5/24 quận, huyện.
Vào cuối mùa xuân và khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn phát triển, kéo theo dịch sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus mang tên Dengue. Virus này thường lây nhiễm từ người sang người thông qua muỗi vằn. Nếu chẳng may bị loại muỗi này đốt và truyền mầm bệnh vào cơ thể, chỉ trong 4 – 5 ngày sau, bạn sẽ mắc phải bệnh sốt xuất huyết.
Ở miền Bắc, trong khoảng thời gian tháng 3 – tháng 4 và khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hàng năm cũng chính là lúc bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết mạnh mẽ. Riêng ở miền Nam, do sự phân bố dày đặc của muỗi vằn nên bất kỳ lúc nào cũng có thể mắc bệnh.
Sốt xuất huyết không chỉ nguy hiểm vì gây sốt cao triền miên, liên tục trong nhiều ngày mà còn gây ra các biến chứng nghiêm trọng có thể làm tử vong cho người bệnh.
Ở Việt Nam trong những năm gần đây, tình hình SXH diễn biến rất phức tạp, không những ở trẻ em mà người lớn cũng mắc, với tỷ lệ gần tương đương nhau. Đặc biệt, bệnh không diễn tiến theo chu kỳ, gần như số ca mắc ngày càng tăng và diễn tiến theo chiều hướng phức tạp. SXH là nguyên nhân làm cho khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện mỗi năm.