Thứ năm, 28/03/2024 | 20:36
RSS

Thế giới sẽ ra sao nếu không tạo ra được vắc xin trị Covid-19?

Thứ sáu, 08/05/2020, 07:20 (GMT+7)

Theo các chuyên gia, nếu không tạo ra được vắc xin trị Covid-19 thì sẽ có một tỷ lệ nhất định dân số bị nhiễm bệnh và khỏi bệnh. Khi đó, những người này sẽ có kháng thể và miễn dịch tự nhiên trước Covid-19.

Thế giới sẽ ra sao nếu không tạo ra được vắc xin trị Covid-19?
Nếu không tạo ra được vắc xin trị Covid-19, sẽ xuất hiện người kháng thể với Covid-19. Ảnh y  tá tại một điểm xét nghiệm lưu động ở New York, Mỹ, hôm 7/5. Nguồn: Reuters.

Hiện tại, các nhà khoa học đang thực hiện hơn 70 thí nghiệm vắc xin trên khắp thế giới Một số chuyên gia cho rằng có thể mất đến 2 năm thì vắc xin mới có thể hoàn chỉnh, Thanh niên dẫn nguồn theo Global News.

Trong trường hợp không tạo ra được vắc xin trị Covid-19, nếu muốn đại dịch kết thúc thì cần phải có một tỷ lệ nhất định dân số bị nhiễm bệnh và khỏi bệnh. Khi đó, những người này sẽ có kháng thể và miễn dịch tự nhiên trước Covid-19, đạt đến trạng thái miễn dịch cộng đồng, tiến sĩ Jeff Kwong, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Toronto (Canada), cho biết, theo Global News.

Ví dụ tại Canada, nếu muốn có miễn dịch cộng đồng thì cần có một nửa dân số có khả năng miễn dịch tự nhiên với Covid-19. Tuy nhiên, không ai biết rõ sẽ phải mất bao lâu mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, tiến sĩ Kwong giải thích thêm.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại khi đến nay vẫn “không có bằng chứng” cho thấy những người khỏi Covid-19 có đủ kháng thể để ngăn tái nhiễm lần nữa.

Nếu chưa có vắc xin trong thời gian tới, những làn sóng nhiễm Covid-19 mới sẽ xuất hiện. Bệnh nhân sẽ là những người vẫn chưa bị nhiễm trong làn sóng đầu tiên, Global News dẫn lời giáo sư vi sinh David Kelvin tại Đại học Dalhouse (Canada).

Nếu không thể tạo ra vắc xin thì thuốc kháng virus sẽ là công cụ chính bảo vệ chúng ta trước Covid-19. Thuốc kháng virus sẽ hạn chế lây nhiễm cũng như kiểm soát sự phát triển của SARS-CoV-2 khi nhiễm bệnh, giáo sư Kelvin giải thích thêm.

Tính đến thời điểm hiện tại, thế giới ghi nhận 212 quốc gia và vùng lãnh thổ hôm nay ghi nhận tổng cộng 3.309.923 ca nhiễm và 270.297 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 97.410 và 6.188 so với hôm qua, trong đó 1.335.241 người đã hồi phục, Vnexpress dẫn theo thống kê của WorldoMeters.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 1.290.242 ca nhiễm nCoV, tăng 32.191 ca so với hôm trước. Thêm 2.674 người chết vì nCoV, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 76.864.

Mỹ có thể tăng 200.000 ca nCoV mới một ngày vào tháng 6, gấp nhiều lần mức khoảng 25.000 ca/ngày hiện nay, số ca tử vong cũng có thể tăng gấp đôi, lên khoảng 3.000 trường hợp/ngày. Con số này dựa trên mô hình lấy dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Liên bang (FEMA).

Dự báo được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục các bang mở cửa trở lại nền kinh tế. Các con số cũng nhấn mạnh thực tế nghiêm trọng rằng những rủi ro đáng kể từ dịch bệnh vẫn tồn tại.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, ghi nhận thêm 213 người chết do nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 26.070, xếp thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Italy và Anh. Số ca nhiễm tăng 6.294, lên 256.855.

Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hạ nhiệt. Tuy nhiên, quốc hội nước này đã nhất trí kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia tới ngày 23/5.

Italy ghi nhận thêm 1.401 ca nhiễm và 274 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 215.858 và 29.958, giảm so với một ngày trước đó.

Nước này từ tuần này bắt đầu nới lệnh phong tỏa được áp đặt từ hồi tháng 3. Người dân được đi lại trong vùng để thăm người thân, nhưng phải đeo khẩu trang. Trường học và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn phải đóng cửa. Các hoạt động tôn giáo và đám cưới chưa được khôi phục.

Anh là vùng dịch lớn thứ 4 thế giới với 206.715 ca nhiễm, tăng 5.614 ca, nhưng là vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới với 30.615 ca tử vong, tăng 539 so với hôm trước.

Thủ tướng Boris Johnson cho biết sẽ thông báo kế hoạch nới phong tỏa trong cuộc họp ngày 10/5. Các biện pháp dỡ hạn chế sẽ không thực hiện đồng loạt mà theo từng giai đoạn, trong đó bỏ khuyến cáo ở nhà, cho phép cá nhân hoặc các thành viên cùng một gia đình ra ngoài tập thể thao "không giới hạn".

Ông cũng dự định khuyến khích mọi người quay trở lại làm việc nếu an toàn, nhưng đề nghị người dân che mặt khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng. Các trường học có thể bắt đầu mở cửa trở lại "theo giai đoạn" vào đầu tháng 6, nhưng các nhà hàng, quán bar và quán cà phê vẫn chưa được ấn định thời điểm chính xác có thể nối lại hoạt động.

Pháp xác nhận thêm 600 ca nhiễm và 178 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 174.791 và 25.987. Pháp dự kiến nới lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài gần 8 tuần từ ngày 11/5. Giới chức cho biết tình hình dịch bệnh đang ổn định, nhưng cảnh báo vẫn phải thận trọng để tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Đức ghi nhận thêm 1.268 ca nhiễm, nâng tổng số lên 169.430, trong đó 7.392 người chết, tăng 117 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác.

Thủ tướng Angela Merkel khẳng định Đức đã đạt mục tiêu giảm bớt sự lây lan của nCoV, bảo vệ hệ thống y tế khỏi tình trạng quá tải. Theo bà, nước Đức giờ đây đủ khả năng "táo bạo một chút" để tái mở cửa hầu hết lĩnh vực kinh tế và xã hội. Sau gần hai tháng nằm trong vòng kiềm tỏa, người dân được trao lại nhiều quyền tự do như trước.

Nga trở thành vùng dịch lớn thứ 5 thế giới khi báo cáo thêm 11.231 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm lên 177.160. Số người chết tăng lên 1.625 sau khi ghi nhận 88 ca tử vong mới.

Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.463 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số trên toàn khu vực lên 54.076, trong đó 1.805 người chết. Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 20.939 ca nhiễm và 20 ca tử vong. Indonesia đứng thứ hai về số ca nhiễm nhưng đứng đầu khu vực về số ca tử vong, lần lượt là 12.776 và 930. Philippines, vùng dịch lớn thứ ba, ghi nhận 10.343 người nhiễm nCoV và 685 người chết.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong nào do nCoV.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC