Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:06
RSS

Thấy gì từ đề xuất giữ 65% vốn Nhà nước tại Resco?

Thứ hai, 10/04/2023, 13:39 (GMT+7)

UBND TP HCM vừa có đề xuất giữ trên 50% đến dưới 65% vốn Nhà nước tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV (Resco). Chuyên gia nhận định, sẽ khó có nhà đầu tư nào đủ “can đảm” để tham gia tái cấu trúc “quả đấm thép” này…

Được biết, UBND TP HCM đang thực hiện chuyển đổi chủ sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025 đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, trong đó có “quả đấm thép” một thời là Resco. 

Tổng Resco được thành lập vào năm 1998, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc, được ví như “con cưng” trong khối doanh nghiệp Nhà nước tại TP HCM. Không phải bây giờ việc thoái vốn tại đây mới được xem xét, trước đó, vào ngày 31/12/2013, UBND TP HCM ký Quyết định số 7432 phê duyệt đề án tái cơ cấu Resco giai đoạn 2013-2015.

Sau khi đề án tái cơ cấu được phê duyệt, việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp này vẫn dẫm chân tại chỗ, cho đến mới đây, UBND TP HCM chính thức đưa ra phương án sắp xếp lại doanh nghiệp này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu vẫn giữ phần vốn Nhà nước như đề xuất, việc tái cơ cấu “qủa đấm thép” Resco là không khả thi. 

Theo đó, trong phương án sắp xếp lần này, UBND TP HCM đề xuất giữ trên 50% đến dưới 65% vốn Nhà nước tại Resco. Nguồn tin cho biết, lý do UBND TP HCM vẫn giữ lại phần vốn như trên tại Resco là bởi doanh nghiệp này “đang thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố lĩnh vực địa ốc như dự án cải tạo chung cư cũ Nguyễn Kim, dự án nhà ở xã hội 157 Tô Hiến Thành, dự án khu lưu trú công nhân Tân Nhựt, khu lưu trú công nhân Thủ Đức; dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án chỉnh trang đô thị cải tạo Rạch Ụ Cây…”.

 Với việc Nhà nước vẫn nắm giữ trên 50% vốn tại Resco, nhiều nhà đầu tư tỏ ra thất vọng trước thông tin này.

Nhiều chuyên gia cho rằng, lý do giữ lại trên 50% đến dưới 65% vốn Nhà nước tại Resco vì doanh nghiệp này “đang thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội” như đề xuất của UBND TP HCM là không thuyết phục, các doanh nghiệp cần phải bình đẳng như nhau khi tái cơ cấu. “Resco là công ty kinh doanh bất động sản nên không có tiêu chí nào để giữ lại phần vốn Nhà nước trên 50% như vậy cả. Còn lấy lý do giữ lại phần vốn như vậy vì doanh nghiệp phải làm mấy công trình công ích thì tới đây nên giao cho các công ty khác làm, giao cho đơn vị có chuyên môn làm”.

Thực tế, trong những năm qua, Resco trở thành cái tên quá “nổi bật” với nhiều bê bối liên quan đến tranh chấp giữa người dân và dự án, dự án chậm tiến độ cũng như sai phạm của lãnh đạo. Mới đây, ông Nguyễn Tín Trung, nguyên Chủ tịch HĐTV và Nguyễn Phước Ngọc, nguyên Tổng giám đốc RESCO cũng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Các dự án mà doanh nghiệp này thực hiện cũng bị kết luận có sai phạm như khu cao ốc văn phòng tại số 257 Điện Biên Phủ (Q3), hạ tầng kỹ thuật khu dân cư An Hội, chung cư Nguyễn Kim.

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp cho biết, khi tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, nhà đầu tư rất quan tâm đến tỷ lệ sở hữu. “Bản vốn nhỏ giọt, nhỏ lẻ như vậy thì ai mua? Nếu Nhà nước vẫn nắm trên 50% vốn thì nhà đầu tư sẽ không quyết định được vấn đề gì tại doanh nghiệp, thay vì mua cổ phần, họ có thể tìm kênh đầu tư khác an toàn hơn. Không ai bỏ tiền mua cả, không ai dồn khoản đầu tư rất lớn của mình vào doanh nghiệp mà họ lại không có tiếng nói, không có quyền quyết định”, doanh nghiệp này chia sẻ. 

Gới phân tích cho rằng, nếu phương án này được thông qua, nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối sau cổ phần hoá tại Resco từ trên 50% đến dưới 65% thì tới đây sẽ tạo ra một doanh nghiệp được quản trị rất nửa vời, thực chất vẫn là "bình mới rượu cũ". 

"Bình mới" là cách gọi từ doanh nghiệp nhà nước chuyển thành doanh nghiệp cổ phần hoá. “Rượu cũ” là vẫn bộ máy lãnh đạo ấy, thậm chí còn kém hiệu quả hơn trước. Nếu không giám sát sẽ dẫn đến tư lợi, phe cánh, lợi ích nhóm trong quá trình điều hành doanh nghiệp.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, với tỷ lệ vốn nhà nước bán ra rất thấp, nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối như vậy, những thay đổi cơ bản trong quản trị của các doanh nghiệp tương tự như Resco chưa có gì đáng kể.

Theo ông, Nhà nước chỉ nên giữ lại một số lượng cổ phẩn nhỏ, không nên chiếm cổ phần chi phối như đề xuất, có làm được như vậy mới khuyến khích được nhà đầu tư tham gia quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp. 

"Trong kết luận thanh tra vừa được công bố mới đây, Thanh tra TP HCM cho biết Resco)đã mắc nhiều sai phạm như tùy tiện sử dụng vốn nhà nước, quản lý vốn chưa chặt... dẫn đến khó thu hồi nợ 1.473 tỷ đồng.

Thanh tra cho rằng, việc Resco quản lý sử dụng vốn chưa chặt chẽ đã tạo điều kiện cho các đơn vị khác chiếm dụng. Tổng công ty cũng chưa hoàn thành đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu; chưa thành lập hội đồng xử lý các khoản nợ khó đòi, không có khả năng thu hồi theo chỉ đạo UBND thành phố.

Theo Thanh tra thành phố, Resco còn tồn đọng 1.500 phiếu thu trị giá hơn 76 tỷ đồng và 355 phiếu chi trị giá gần 55 tỷ đồng (là tiền cọc và hoàn tiền cọc mua căn hộ tại chung cư lô B Bàu Cát II, quận Tân Bình) phát sinh từ tháng 11 đến 12/2017, không có chữ ký duyệt và đóng dấu của thủ trưởng đơn vị. Tuy nhiên, 355 phiếu chi này đã được xuất quỹ chi tiền trả cho các tổ chức, cá nhân.

Resco còn sử dụng vốn của nhà nước để chi tiền hộ cho đối tác kinh doanh, bao gồm: nộp hơn 5 tỷ đồng tiền thuê đất, thuế đất cho Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty cổ phần địa ốc 7. Resco còn chi trả các chi phí thực hiện dự án Khu B chung cư Nguyễn Kim thay cho đối tác là Công ty cổ phần địa ốc Ngân Hiệp... gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Việc này làm lợi cho đối tác, mang tính rủi ro cao, có sự tùy tiện trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước.

Các dự án đầu tư xây dựng của RESCO cũng bị xác định có nhiều sai phạm như dự án đầu tư xây dựng khu cao ốc văn phòng tại số 257 Điện Biên Phủ, Q.3; dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư An Hội, P.14 và dự án chung cư Nguyễn Kim B, Q.10."

 

Diệu Linh
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại