Thứ hai, 29/04/2024 | 03:22
RSS

Tiết lộ cách từ chối offer không mất lòng nhà tuyển dụng

Thứ tư, 05/04/2023, 09:14 (GMT+7)

Phần lớn ứng viên rất mong chờ nhận được lời đề nghị làm việc sau buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, sau khi nhận offer, không phải ứng viên nào cũng ngay lập tức trả lời “đồng ý”.

Bởi có những offer không đáp ứng mong muốn của bạn. Hoặc có thể, bạn đã nhận offer khác hấp dẫn hơn. Nhưng bạn lại lúng túng, không biết từ chối offer như thế nào để không mất lòng nhà tuyển dụng? Dưới đây là câu trả lời dành cho bạn. 

Tuyệt đối không trả lời bằng sự “im lặng”

Nhiều ứng viên lựa chọn im lặng khi không “ưng” với offer khi tham gia tuyển dụng ở Đà Nẵng, TPHCM hay Hà Nội ... Họ cho rằng, không trả lời, không phản hồi đã là câu trả lời rõ ràng nhất. Nhưng, đó không phải cách tốt để từ chối offer.

Hành động im lặng của bạn sẽ khiến nhà tuyển dụng bị tổn thương. Họ có cảm giác bị chối bỏ và không được tôn trọng. Chưa kể, việc im lặng có thể dẫn đến hiểu lầm. Nhà tuyển dụng sẽ nghĩ đến tình huống, bạn chưa nhận được thông tin, hoặc vì lý do khách quan nên chưa thể trả lời. Vì chờ phản hồi của bạn mà ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển dụng, đến việc triển khai công việc của doanh nghiệp.

Để không làm ảnh hưởng xấu đến nhà tuyển dụng, bạn cần phản hồi lại họ mà không phải là chọn im lặng.

Dành lời cảm ơn cho nhà tuyển dụng

Một lời đề nghị việc làm từ nhà tuyển dụng được ví như món quà với ứng viên đang đi tìm việc. Dù bạn có đón nhận hay từ chối nó vì không phù hợp thì đầu tiên, bạn nên dành lời cảm ơn tới nhà tuyển dụng và công ty.

Bạn đừng quên để buổi phỏng vấn diễn ra, nhà tuyển dụng không chỉ mất thời gian để chuẩn bị tổ chức mà còn mất một khoản chi phí để có hồ sơ ứng viên. Đồng thời phải bỏ thời gian, nhân sự để sàng lọc, xét tuyển hồ sơ và phỏng vấn.

Do đó, hãy bày tỏ sự tôn trọng với họ; trân trọng cơ duyên được trò chuyện, nhận được chia sẻ, lời khuyên hữu ích từ họ. Đồng thời đừng quên cảm ơn công ty, nhà tuyển dụng đã cho bạn cơ hội được thể hiện bản thân trong buổi phỏng vấn.

Trả lời sớm nhất có thể

Bạn được phép cân nhắc thậm chí xin ý kiến từ người khác trước khi đưa ra lời từ chối. Nhưng không nên để nhà tuyển dụng chờ đợi quá lâu mà hãy phản hồi trong khoảng thời gian sớm nhất có thể.

Nên nhớ, nhà tuyển dụng rất mong chờ phản hồi của bạn. Bởi có thể vị trí của bạn liên quan tới một kế hoạch, dự án lớn của doanh nghiệp. Theo đó, thời gian trả lời tốt nhất nên là trong vòng 1-2 ngày từ khi bạn nhận được thông báo.

Việc đặt mình vào hoàn cảnh của nhà tuyển dụng, cho thấy bạn là ứng viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vì lý do nhất định, bạn cần nhiều thời gian hơn trước khi trả lời đề nghị của nhà tuyển dụng thì hãy viết mail xin phép họ. Nếu không ảnh hưởng tới kế hoạch làm việc của doanh nghiệp, họ sẽ đồng ý chờ phản hồi của bạn. Khi đó, bạn vừa có thời gian suy nghĩ vừa không bị mất điểm.

Đưa ra lý do ngắn gọn

Trong nội dung từ chối offer, bạn không nên trình bày dài dòng, kể lể về việc đã khó khăn ra sao khi đưa ra quyết định. Bạn càng không nên chia sẻ bản thân đã nhận được lời đề nghị việc làm hấp dẫn hơn. Hãy đưa ra lý do ngắn gọn. 

Nên đưa những nguyên nhân mà qua đó cho nhà tuyển dụng thấy, bạn từ chối là bởi những ưu tiên hiện tại của bản thân không phù hợp với công việc. Ví dụ: do thay đổi mục tiêu nghề nghiệp, do định hướng gia đình thay đổi. Nếu từ phía công ty thì lý do có thể như: không phù hợp với văn hóa công ty, mức lương không như kỳ vọng… Qua đó cho thấy, bạn rất có thiện chí với công việc nhưng vì một số điều kiện chưa đáp ứng mong muốn nên buộc phải từ chối offer.

Bày tỏ mong muốn hợp tác nếu có cơ hội

Trong nội dung từ chối offer, bạn khẳng định, bản thân chỉ từ chối lời đề nghị việc làm cụ thể chứ không từ chối nhà tuyển dụng hay công ty. Do đó, bên cạnh sự tiếc nuối, bạn nên thể hiện mong muốn được hợp tác, sẵn sàng đón nhận cơ hội mới trong tương lai. Thậm chí nếu biết nhân sự phù hợp với vị trí này, hãy đề nghị được giới thiệu ứng viên tiềm năng đó cho nhà tuyển dụng. Bằng cách này, bạn thể hiện sự chủ động kết nối và xây dựng mối quan hệ với nhà tuyển dụng.

Từ chối offer khéo léo, không những bạn được lòng nhà tuyển dụng mà có thể, từ mối quan hệ tốt đẹp với họ, cơ hội nghề nghiệp mới mở ra cho bạn. Do đó, hãy thể hiện là ứng viên chuyên nghiệp ngay cả khi cơ hội việc làm nhà tuyển dụng đưa ra không phù hợp với bạn.

PV
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại