Chủ nhật, 28/04/2024 | 20:50
RSS

Thảm kịch những bé gái Afghanistan phải kết hôn vì nhà quá nghèo: "Con lấy chồng hoặc chúng tôi sẽ chết"

Thứ hai, 22/11/2021, 11:15 (GMT+7)

Hạn hán nhiều năm cộng với khủng hoảng chính trị và kinh tế đã khiến không ít gia đình Afghanistan lâm vào cảnh bần cùng, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gả chồng cho những cô con gái nhỏ của họ.


Lâm vào cảnh nghèo cùng cực, Rabia đã đồng ý gả chồng cho con gái lớn của mình, Shukria mới 11 tuổi (ngoài cùng bên phải) để đổi lấy thức ăn và tiền mặt. Ảnh Atlantic.

Theo The Atlantic, tháng 3 năm ngoái, Rabia và hai cô con gái nhỏ của mình buộc phải bỏ nhà cửa ở miền bắc Afghanistan để tha phương. Không chỉ bạo lực leo thang, ngôi làng của họ còn bị hạn hán nghiêm trọng đến mức thiếu nước và mất mùa.

Rabia không thể nuôi cừu được nữa. Đây vốn từng là  nguồn thu nhập ổn định để cô nuôi con sau khi bị chồng ruồng bỏ còn chỗ dựa duy nhất là người anh trai thì đã bị Taliban giết hại.

Trong cơn tuyệt vọng, 3 mẹ con Rabia cùng những người khác rời đi, hy vọng tìm được việc làm ở đâu đó.

Cuối cùng, họ định cư lại tại một trại bên ngoài thành phố Mazar-i-Sharif ở phía bắc Afghanistan dành cho người di tản.

"Đất đai khô cằn và bạo lực ngày càng tồi tệ hơn bởi các cuộc giao tranh giữa Taliban và lực lượng Afghanistan. Chúng tôi không có nơi nào để đi", Rabia chia sẻ bên ngoài túp lều tường đắp đất, lớp mái tranh của 3 mẹ con hiện tại.

Rabia và các con gái của cô nằm trong số hàng trăm gia đình Afghanistan khác phải chạy trốn nạn hạn hán và bạo lực. 

Nhưng đó chưa phải là tất cả những nỗi thống khổ của họ. Những gia đình lâm vào cảnh bần cùng như Rabia còn phải đối mặt với những quyết định hết sức khó khăn khác để cố gắng tồn tại.

Tháng 2 vừa qua, con gái lớn nhất của Rabia, Shukria, mới chỉ 11 tuổi, đã bị hứa hôn với một người đàn ông lớn gấp đôi tuổi cô bé để đổi lấy bột mì, gạo và tiền mặt giúp gia đình duy trì cuộc sống trong những năm tới. 

“Tôi biết con gái tôi mới chỉ là một đứa trẻ, và còn quá sớm để nó kết hôn. Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Hoặc là con bé lấy chồng hoặc chúng tôi sẽ chết", Rabia giải bày.

Shukria, gầy gò và trầm lặng ít nói không phản đối quyết định trên của mẹ. Vào thời điểm cuộc phỏng vấn này diễn ra vào tháng 8, Shukria đang tham dự một khóa nghiên cứu Kinh Qur'an và học nấu ăn, may vá để trở thành "một người vợ tốt".


Xe nước bán cho người dân vô cùng đắt hàng giữa thời điểm năng nóng, hạn hán . Ảnh Reuters

Kết hôn trẻ em không phải là một hiện tượng mới ở Afghanistan nhưng nó ngày càng trở nên phổ biến ở Afghanistan trong tình cảnh hiện tại.  

Các báo cáo cho thấy sự gia tăng đột biến của các cuộc hôn nhân như vậy là do tình trạng bạo lực gia tăng trước khi Taliban tiếp quản Afghanistan, cũng như những tác động của biến đổi khí hậu gây ra hạn hán đối với quốc gia nông nghiệp này. 

Theo các chuyên gia, những điều này đã khiến nhiều nông dân Afghanistan rơi vào cảnh nghèo đói vì họ không còn khả năng kiếm sống từ đất đai. Vì thế, để tồn tại, họ phải cho con gái lấy chồng sớm dù các em vẫn còn trẻ con nhằm đối một khoản tiền duy trì cuộc sống.

Hội đồng Người tị nạn Na Uy, cơ quan điều hành các chương trình tại các trại dành cho người di cư trên khắp Afghanistan trong một báo cáo hồi tháng 6 tiết lộ, nhiều gia đình nghèo ở đất nước này phải cho con đi làm sớm hoặc kết hôn sớm để kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Thậm chí báo cáo còn tiết lộ, một số bậc cha mẹ buộc phải cho con uống thuốc ngủ để đi ngủ nhằm tránh việc chúng đói và đòi ăn.

“ Các nghiên cứu cho thấy số lượng các sự kiện hạn hán và lũ lụt ngày càng gia tăng. Vì thế những người dân Afghanistan chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các điều kiện tự nhiên thay đổi", báo cáo của Hội đồng Người tị nạn Na Uy .

Shukria không phải là cô gái duy nhất trong trại di tản bị ép tảo hôn nhưng hầu hết các gia đình không muốn đưa chuyện này lên mặt báo. 

Rabia từng nuôi hy vọng về tương lai của các con gái mình, bao gồm cả việc cho con gái đi học. “Nhưng giờ tôi còn không đủ khả năng để cho các con được ăn no”, Rabia chia sẻ.

 

Minh Nhật (theo Atlantic)
Theo Dân Việt