Thứ năm, 25/04/2024 | 12:20
RSS

Những cái Tết không đoàn viên ở xóm chạy thận giữa lòng Thủ đô

Thứ tư, 25/01/2017, 15:20 (GMT+7)

Mỗi dịp Tết đến xuân về, bà Nguyễn Thị Ráng (Đông Hưng, Thái Bình) lại ngồi trông qua cánh cửa sổ nhìn dòng người đổ về quê mà rơm rớm nước mắt.

Chạy thận như mang án chung thân trong người.

Xom-chay-than-1

Dù ở tuổi già nhưng bà Ráng vẫn mong muốn một ngày được sum vầy, ăn Tết cùng gia đình. Ảnh Trí Kiên

Bà Nguyễn Thị Ráng (Đông Hưng, Thái Bình) - một bệnh nhân có thâm niên 14 năm chạy thận tại phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi bắt đầu chạy thận từ cách đây hơn 14 năm. Khi đó tôi đang ngồi trước hiên nhà thì bị ngất, sau đó phải nhập viện cấp cứu. Bác sĩ nói tôi bị bệnh xương khớp, thận hư, không lọc được máu nên phải tiến hành chạy thận, truyền máu bổ sung gấp.

Sau đó, do bệnh nặng nên tôi chuyển lên Bạch Mai điều trị cũng đã 14 năm trời. Người đến rồi ra đi vĩnh viễn liên tục. Người phải đi chạy thận như nhận án chung thân".

xom-chay-than-2

Bà Ráng bên người hàng xóm của mình là ông Nguyễn Thế Tĩnh. Ảnh Trí Kiên

Bà Ráng bị cả bệnh thận lẫn xương khớp nên mỗi lần di chuyển rất khó khăn, phải có người hỗ trợ. Bà Ráng chia sẻ, những người đến với xóm trọ này đều xác định tâm lý cả rồi nên nói chuyện chết chóc chẳng có gì phải giữ ý.

Những ngày Tết đến xuân về, đáng lẽ mọi người phải vui cười nhưng người dân trong "xóm ngụ cư" này thì không thể vì những người bạn cùng cảnh ngộ với họ đang điều trị trong viện. Chốc chốc lại có người nhà chạy về báo tin với vẻ mặt hớt hơ hớt hải, có vẻ như bệnh nhân đó ít cơ hội sống...

xom-chay-than3

Ông Tấn, người từng là trưởng "xóm ngụ cư" giữa lòng Hà Nội Ảnh Trí Kiên

Bà Ráng cho biết, những người sống trong xóm trọ này trên 10 năm như bà không phải là ít, song chừng đó cũng đủ để nếm trải vị đời và chứng kiến những số phận hẩm hiu lần lượt ra đi. Chẳng nói đâu xa, như bản thân bà sinh ra trong một gia đình có ba chị em, cả 3 người đều bị bệnh, lại thuộc diện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Về sau, nghĩ đến cảnh bệnh tật ốm đau nên bà không lấy chồng. 

Bà cho biết, người trẻ có sức còn kiếm được chút ít để đỡ đần tiền cơm nước qua ngày, còn những người như bà giờ đã già, bệnh thận lại thêm xương khớp nên chỉ biết nằm một chỗ, tốn kém đủ đường.

Những cái Tết xa nhà

Ngồi trên giường nói về kế hoạch về quê ăn Tết cùng gia đình, bà Ráng cho hay, đã hơn chục năm nay chưa một lần bà về quê ăn Tết cùng gia đình nên không biết mùi vị Tết như thế nào. Có lẽ tình hình sức khỏe không tốt nên mỗi cái Tết lại đúng vào dịp bà phải chạy thận căng hơn.

Hơn nữa, những người bệnh ở đây không thể xa "xóm ngụ cư" quá 3 ngày vì theo định kỳ 2 - 3 ngày chạy thận một lần. Tuy vậy, 130 bệnh nhân ở xóm cũng có kế hoạch lên ăn Tết cùng nhau nên cũng khá đông vui. 

Xom-chay-than-5

Tết về bên xóm chạy thận. Ảnh Trí Kiên

Bác Nguyễn Thế Tĩnh (63 tuổi, Kiến Xương, Thái Bình) chia sẻ, tính đến nay bác đã chạy thận 20 năm nhưng số lần về quê ăn Tết chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lý do là bởi dịp Tết thường là thời điểm bệnh nhân phải chạy thận căng nên không thể xa bệnh viện quá 2 ngày. Những ngày Tết, bác Tĩnh thường đi đánh giày hoặc bán nước, làm thuê ban đêm để kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống. 

Được biết, xóm chạy thận giữa lòng Thủ đô ban đầu do một bệnh nhân chạy thận tên Nguyễn Văn Tấn đứng ra lập danh sách, chia tổ để các bệnh nhân thuận tiện giúp đỡ nhau. "Xóm ngụ cư" nay đã tồn tại cách đây hơn 20 năm.

Ngày đầu, nơi đây chỉ có khoảng gần chục người nhưng đến nay, số bệnh nhân chạy thận tập trung tại khu xóm đã lên đến 130 người. Khu xóm có khoảng 50 phòng trọ tồi tàn. Mỗi phòng trọ chỉ không quá 8m2 dành cho 2 người với tiền thuê 1 triệu đồng/ tháng, đó là chưa kể tiền điện, nước.

Đa phần bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Cứ 3 ngày chạy lọc máu một lần, một tháng chạy 13 lần, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn.

(Còn nữa)

Trí Kiên
Theo Đời sống Plus