Thứ bảy, 21/09/2024 | 00:38
RSS

Tập đoàn Trung Thuỷ thâu tóm đất công: Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần vào cuộc làm rõ

Thứ ba, 21/05/2019, 16:10 (GMT+7)

Để tránh thất thoát tài sản Nhà nước, ngăn chặn đất công sản rơi vào tay Tập đoàn Trung Thuỷ, nhiều ý kiến cho rằng Thanh tra Chính phủ và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cần vào cuộc thanh tra toàn diện việc giao đất cho tập đoàn này…

Tập đoàn Trung Thuỷ thâu tóm đất công: Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần vào cuộc làm rõ
Trụ sở Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

Lấy đất công dễ như trở bàn tay

Một trong những thương vụ đất công bị Tập đoàn Trung Thuỷ thâu tóm không qua đấu giá là khu đất 650 ha tại xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) đã được Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Thành phố chỉ rõ sai phạm. Cụ thể, để có được khu đất này, Tập đoàn Trung Thuỷ và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) ký hợp tác và lập ra pháp nhân mới là Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Agri nhằm thực hiện dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao.

Tại dự án 650 ha này, UBND Thành phố đã ký văn bản 6878 chấp thuận cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Agri thực hiện dự án. 

Với tỷ lệ góp vốn Sagri 36% và Tập đoàn Trung Thuỷ 64%, thông qua các bản hợp đồng tự ký kết và không được sự chấp thuận của cấp trên, quỹ đất khổng lồ 650 ha của Nhà nước tại xã Phú Mỹ Hưng đã rơi vào tay tư nhân một cách rất … hợp pháp?! 

Theo một số nhà đầu tư bất động sản diện tích 650 ha mà Sagri đem đi hợp tác với Tập đoàn Trung Thuỷ là quỹ đất sạch, không phải giải phóng mặt bằng nhiều nên chi phí tài chính bỏ ra để thực hiện cũng rất ít. Nhiều người cũng không loại trừ, khi dự án được chấp thuận thì sau đó chủ đầu tư có thể chuyển đổi mục đích sử dụng, từ làm nông nghiệp sang xây cao ốc, biệt thự, liền kề… 

Không chỉ thâu tóm đất nông nghiệp, mà hàng loạt cơ sơ kinh doanh, sản xuất của Sagri tại các quận nội thành cũng bị Tập đoàn Trung Thuỷ thâu tóm thành công mà không cần đấu giá. Cũng với kịch bản thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án (với tỷ lệ góp vốn Sagri là 27% và Tập đoàn Trung Thủy 73%), hàng loạt khu đất vàng là tài sản Nhà nước lần lượt rơi vào tay các doanh nghiệp liên quan đến doanh nhân Nguyễn Văn Trung.

Nguồn tin của phóng viên có được cho thấy, chỉ trong hai năm 2015 và 2016, Sagri đã ký hợp đồng hợp tác với các đối tác như Công ty như Công ty TNHH Lancaster Tân Thuận, Công ty TNHH Trung Thuỷ Lancaster, Công ty bất động sản Tín Nghĩa để thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án tại 17 mặt bằng, nhà đất với quỹ đất hơn 200.000 m2 nằm ở các vị trí đắc địa tại các huyện Bình Chánh, Thủ Đức, Củ Chi, Bình Thạnh, Q7. Cụ thể như khu đất tại phường Tân Thuận Đông Quận 7, khu đất 16.000m2 tại phường 13, quận Gò Vấp…

Các thương vụ hợp tác làm ăn với tỷ lệ 27% và 73% giữa Sagri với Tập đoàn Trung Thuỷ để khai thác quỹ đất nói trên được Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Thanh tra TP.HCM khẳng định là trái quy định pháp luật bởi Sagri không được phép đầu tư ngoài ngành, không được chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào…

Tập đoàn Trung Thuỷ thâu tóm đất công: Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần
Khu đất Dự án Khu sản xuất nông nghiệp có quy mô 650 ha tại xã Phú Mỹ Hưng của Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Agri.

Xử lý sai phạm không có vùng cấm

Còn nhớ trước đó, hàng loạt vụ sai phạm về đất đai tại TP.HCM đã được phanh phui, nhiều cá nhân liên quan đã bị xử lý kỷ luật, vướng vòng lao lý. Như vụ ông Tất Thành Cang ký văn bản chấp thuận bán rẻ 32 ha đất Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, hay Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận Tề Trí Dũng vừa bị khởi tố… Trong khi đó, nếu so sánh với với khu đất 32 ha tại khu dân cư Phước Kiển, thì quỹ đất tại công tại TP.HCM rơi vào tay Tập đoàn Trung Thuỷ lớn hơn rất nhiều.

Về việc Sagri đầu tư trên các khu đất khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND Thành phố, việc góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư kinh doanh bất động sản trên các khu đất không được phép đầu tư, việc giao đất cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Sagri …thì Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu TP.HCM tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, mặc cho kết luận sai phạm động trời và yêu cầu xử lý của Kiểm toán Nhà nước đã được đưa ra, nhưng việc kỷ luật và xem xét trách nhiệm cá nhân liên quan thì lại được thực hiện theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. 

Theo đó, cho đến nay những cá nhân liên quan đến sai phạm vẫn chưa được xử lý, ngoài Tổng giám đốc Nguyễn Tấn Hùng bị kỷ luật cảnh cáo vì ký khống hồ sơ, thì trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP.HCM ký các quyết định chấp thuận cho Tập đoàn Trung Thuỷ lấy những khu đất hiếm hoi còn sót lại tại Sài Gòn không qua đấu giá vẫn chưa được làm rõ.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an), con số sai phạm về đất đai như vậy là rất lớn, với sai phạm này dứt khoát cơ quan công an phải vào cuộc ngay, đây là sự việc cực kỳ nghiêm trọng. “Thanh tra và công an phải vào cuộc làm rõ, đây là hành vi có đủ dấu hiệu, yếu tố cấu thành tội phạm rồi chứ không thể là ở mức kỷ luật hành chính nữa, cho dù ông này là ai thì cũng phải xử lý”, tướng Cương bình luận.

Tập đoàn Trung Thuỷ thâu tóm đất công: Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần vào cuộc làm rõ
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: VOV

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, những sai phạm xảy ra tại Sagri đã được Thanh tra TPHCM và Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rất rõ ràng, cụ thể nhưng việc xử lý trách nhiệm cá nhân của những người liên quan đang đặt ra nhiều hoài nghi trong dư luận.

Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, với những vi phạm có tính chất lặp lại, cố ý, gây thiệt hại lớn như vậy thì phải xem xét xử lý bằng hình sự thì mới làm rõ lỗi được, mà để làm rõ lỗi thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

“Thực tế, việc xử lý các vụ việc trong thời gian vừa qua đã cho thấy không có vùng cấm trong xử lý sai phạm đối với những người có quan hệ thân hữu. Vụ việc này phải xử lý nghiêm minh thôi”, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết thêm.

Để tránh thất thoát tài sản Nhà nước, ngăn chặn đất công sản rơi vào tay tư nhân, dư luận cho rằng Thanh tra Chính phủ và Uỷ ban Kiểm tra Trung cũng ương cần vào cuộc thanh tra toàn diện việc giao đất cho tập đoàn Trung Thuỷ không qua đấu giá cũng như các sai phạm khác tại Sagri; đồng thời làm rõ vai trò, động cơ cũng trách nhiệm cá nhân, tập thể tại TP.HCM đã tiếp tay cho các sai phạm này.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN