Thứ tư, 24/04/2024 | 03:50
RSS

Tăng cường dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời để nâng cao tầm vóc Việt

Thứ năm, 01/02/2018, 09:24 (GMT+7)

Đây là nội dung đã được khẳng định tại Lễ Phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 31/01.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ phát động tăng cường dinh dưỡng toàn cầu
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham dự lễ phát động 

Lễ Phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam cũng là hoạt động thiết thực triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế đại diện các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế…

Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu (Scaling Nutrition – The SUN) là một trong trào duy nhất hoạt động dựa trên nguyên tắc tất cả mọi người đều có quyền được hưởng thực phẩm và nguồn dinh dưỡng tốt. Điều này nhằm gắn kết mọi người từ Chính phủ, tổ chức xã hội, Liên hợp quốc, nhà tài trợ, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu trong một tập thể với nỗ lực nhằm cải thiện dinh dưỡng.

Hiện có 57 quốc gia và bang Maharashtra và Uttar Pradesh của Cộng hòa Ấn Độ cam kết đẩy mạnh hoạt động dinh dưỡng và hiện đang hoạt động trong một tập thể như một phong trào. Các quốc gia SUN và mạng lưới tập trung vào vấn đề chủ chốt 1.000 ngày cửa sổ cơ hội để cải thiện dinh dưỡng từ thời kỳ bào thai cho đến 2 tuổi...

Lễ phát động là sự kiện quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân và thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực dinh dưỡng và sức khỏe.

Tình trạng dinh dưỡng người Việt được cải thiện nhưng còn nhiều khó khăn

Bộ trưởng Bộ Y tế tại lễ phát động tăng cường dinh dưỡng toàn cầu
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến​

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong những năm qua, tình trạng dinh dưỡng của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, đặc biệt là việc giảm liên tục và bền vững tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi từ 31,9% năm 2001 xuống còn 13,8% vào năm 2016.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi hiện vẫn còn ở mức cao và có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng miền, nhóm dân tộc; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện như mong đợi; tình trạng thừa cân - béo phì, rối loạn chuyển hóa và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh ở cả trẻ em và người trưởng thành, đặc biệt là ở khu vực đô thị. 

Ngoài ra, dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động, dinh dưỡng cho người bệnh, dinh dưỡng cho người cao tuổi… cũng chưa được quan tâm đúng mức. Bữa ăn học đường của trẻ em, học sinh, bữa ăn ca của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lượng và thành phần dinh dưỡng; thể lực và tầm vóc của người Việt Nam còn hạn chế. Chiều cao của cả nam giới và nữ giới Việt Nam tăng rất ít trong nhiều năm qua, trung bình chiều cao của nam thanh niên Việt Nam là 164 cm và nữ thanh niên là 153 cm, còn khá thấp so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực Châu Á.

Giải pháp quan trọng là chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời 

tăng cường dinh dưỡng để cải thiện thể trạng và tầm vóc người Việt
Chiều cao trung bình của người Việt so với chiều cao trung bình của thế giới

Để triển khai thực hiện các mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ và thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ rõ:

- Đối với công tác dinh dưỡng cần tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng và mỗi người dân.

- Bộ Y tế sẽ xây dựng và phổ biến các khuyến nghị, các chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp với nhóm đối tượng, vùng/miền; ưu tiên việc chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Đặc biệt, phải chú trọng ưu tiên việc chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời – tức là tăng cường chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng từ khi mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi; đồng thời áp dụng các thực hành tốt, các can thiệp hiệu quả về cải thiện dinh dưỡng đã được cộng đồng quốc tế triển khai.

- Phối hợp cùng các Bộ, Ngành liên quan thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng hợp lý; tăng cường giáo dục dinh dưỡng và vận động thể chất trong hệ thống trường học, rèn luyện thể dục thể thao tại cộng đồng; đảm bảo an toàn thực phẩm, an ninh lương thực hộ gia đình, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường….

- Xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù, sử dụng nguồn thực phẩm tại địa phương và phù hợp với khẩu vị theo vùng, miền; tập trung giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì, dinh dưỡng dự phòng và điều trị các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

- Cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng cho người dân tham gia vào công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng một cách có trách nhiệm và bình đẳng.

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN