Năm 1974 chàng thanh niên 20 tuổi Đỗ Văn Thắng lên đường nhập ngũ vào bộ đội, với quyết tâm cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Ông từng đóng quân ở nhiều chiến trường Việt Nam và phục vụ chiến đấu 5 năm từ năm 1981-1986 ở nước bạn Campuchia. Cũng chính chiến trường này ông đã "gửi lại" một phần cơ thể của mình.
Thế nhưng anh bộ đội năm xưa vẫn ghi nhớ lời Bác dạy "thương binh tàn nhưng không phế". Giờ đây, người lính năm nào đã biết vượt qua khó khăn phát triển kinh tế, làm giàu cho xã hội
Xuất ngũ năm 1986 từ nước bạn Campuchia trở về với đôi chân không còn nguyên vẹn, ông bị suy giảm sức khoẻ 61%. Ông Thắng tự cảm nhận được sức khoẻ của bản thân không được như xưa, con thì nhỏ, điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp.
Sau vài năm nghỉ ngơi để hồi phục lại những vết thương thời chiến tranh, thế nhưng bản thân ông không thể làm được những công việc nặng nhọc. Không thể phó mặc cho số phận, năm 1990 ông Thắng quyết định dựng lều sửa xe đạp - cái nghề mà trong lúc ông đang đóng quân tại miền Nam đã học được.
Ông Thắng đã đảm bảo được thu nhập cho gia đình nhỏ dù không dư dả gì. Sau một thời gian dài gắn bó với công việc sửa xe đạp, quán sửa xe của ông đã có uy tín và nổi tiếng trong khu vực, được nhiều bà con tin tưởng.
Có mặt tại nhà ông Đỗ Văn Thắng (thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) vào một buổi chiều nắng chói chang, được chứng kiến tận mắt cảnh ông Thắng "đánh vật" chiếc xe đạp lên nhẹ như lông hồng mặc dù năm nay ông đã bước qua tuổi 63 khiến chúng tôi càng quý mến hơn những anh bộ đội cụ Hồ ngay cả trong thời bình "tàn nhưng không phế".
Chiếc chân gỗ gắn bó với người cựu binh mấy chục năm trời
Với ông Thắng, nghề sửa chữa xe đạp này ông được học từ lúc còn đang là bộ đội ở chiến trường
Những món đồ lâu năm dường như là bạn đồng hành đối với ông Thắng