Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:21
RSS

Tâm sự của người phụ nữ 7 năm đón giao thừa tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội

Thứ hai, 04/02/2019, 21:49 (GMT+7)

Là người gắn bó 7 năm với công việc trực cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, chị Thảo năm nào cũng là người trực giao thừa...

Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán
Theo ông Thắng,Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán cán bộ công nhân viên vất hơn ngày thường

Tết Nguyên đán hầu như mọi người đều được nghỉ để trở về sum vầy bên gia đình thì những bác sĩ, y tá, điều dưỡng tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội) vẫn miệt mài với công việc, thậm chí còn vất cả hơn những ngày bình thường. 

Khi nhận được một cuộc điện thoại, họ nhanh chóng lên đường đưa người bệnh, người bị tai nạn đến cơ sở y tế cứu chữa kịp thời. Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Trung tâm Cấp cứu 115 bố trí 15 kíp trực, mỗi kíp trực gồm 3 người, thường trực 24/24 giờ tại 5 khu vực.

Ngoài trụ sở chính đặt tại số 11 Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm), còn có 4 trạm cấp cứu vệ tinh ở Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm và Hà Đông để đảm bảo phục vụ nhanh nhất nhu cầu vận chuyển của người bệnh trong dịp Tết.

Chia sẻ với PV, Ông Trần Anh Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, vào những ngày như: 29, 30 và mùng 1 những nhân viên ở trung tâm không nhìn thấy mặt nhau. 

Ngày Tết Trung tâm cấp cứu 115 hoạt động hết công suất
Ngày Tết cán bộ Trung tâm cấp cứu 115 làm việc liên tục

Thời khắc giao thừa cũng chẳng ai kịp chúc nhau đón một năm mới vui vẻ. Công việc cứ tất bận như vậy, thậm chí ai về đến bữa là tự lấy cơm ăn chứ không ngồi ăn tập trung như bình thường được. Mỗi lần giao ca khoảng 15 phút xong ai lại về nhà nấy.

"Ngày giáp Tết và Tết tỉ lệ người dân cấp cứu cao hơn ngày thường. Thường như mọi năm thì tăng từ 30-40%, hầu hết các vụ cấp cứu tập trung vào các cụ già có bệnh mãn tính hoặc tai nạn giao thông", ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, để chuẩn bị cho dịp Tết Kỷ Hợi, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã phải lên kế hoạch trước 2 tuần về nhân sự, nguồn trang thiết bị để phục vụ chu đáo trong dịp Tết tới. Đặc biệt, là những điểm bắn pháo hoa.

Cùng với đội ngũ y bác sĩ có tinh thần trách nhiệm và chuyên môn cao, luôn tận tình sơ cấp cứu ban đầu cho người bệnh, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội còn chú trọng đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại trên xe cứu thương để công tác sơ cứu ban đầu hiệu quả, hạn chế tỷ lệ tử vong, biến chứng cho người bệnh và người bị tai nạn.

Ngoài ra, ông Thắng cũng cho biết thêm, khi làm việc tại trung tâm, dù nhân viên nữ có bầu mà khỏe vẫn làm việc cấp cứu hiện trường bình thường. Tuy nhiên, nếu nhân viên nào sức khỏe yếu, đến tháng thứ 7 hoặc 8 cơ quan sẽ tạo điều kiện luân chuyển sang bộ phận khác để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chị Thảo chia sẻ công việc ngày Tết
Chị Thảo chia sẻ công việc ngày Tết

Là người gắn bó 7 năm với công việc trực cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, chị Nguyễn Thu Thảo (SN 1991) không nhớ nổi chị đã cùng ca trực tư vấn cũng như sơ cứu và vận chuyển bao nhiêu bệnh nhân. Hầu như Tết năm nào chị Thảo cũng phải trực giao thừa, không được đón Tết trọn vẹn cùng gia đình.

Tết này cũng vậy, những ngày nghỉ, thì chị chị phải trực 3 đến 4 ngày, mỗi ngày phải trực 24/24 giờ. Dù công việc vất vả, ít có thời gian dành cho gia đình, nhưng mỗi lần kịp thời cứu được bệnh nhân qua cơn nguy kịch là niềm vui, động lực giúp chị thêm yêu nghề.

"Ai cũng muốn ở cạnh gia đình trong giao thừa nhưng vì đặc thù công việc nên tôi vẫn đi làm. Gia đình cũng hiểu cho công việc của tôi nên mọi người đều ủng hộ hết mình. Tôi nhớ duy nhất có 1 năm được đón Tết cùng gia đình nhưng lại là nhà chồng. Còn năm nay tôi vừa sinh cháu, đến đúng dịp Tết lại quay lại công việc", chị Thảo tâm sự.

Nhân viên trực tổng đài tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội làm việc 24/24h ngày Tết
Nhân viên trực tổng đài tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội làm việc 24/24h ngày Tết

Theo chị Thảo, khi đi ra ngoài cứu cấp cứu chị và đồng nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất là đêm. Con gái đi đêm vào ngõ ngách sâu cũng nguy hiểm, dù mưa gió hay bầu bí vẫn phải đi làm.

"Đã có lúc tôi cũng nghĩ đến chuyển công việc khác nhàn hạ hơn, nhất là thời điểm có con nhỏ. Tuy nhiên, từ khi đi học đến lúc đi làm công việc này gắn bó với tôi hơn 10 năm và được mọi người đông viên, tạo điều kiện nên tôi vẫn cố gắng", chị Thảo nói.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN