Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:51
RSS

Tỷ phú giàu thứ 2 Việt Nam mất 1.400 tỷ trong ngày bầu cử Mỹ

Thứ năm, 10/11/2016, 11:32 (GMT+7)

Cổ phiếu ROS giảm 5.100 đồng xuống 95.000 đồng/CP. Có thời điểm ROS giảm sàn xuống 93.100 đồng. ROS giảm sâu khiến tài sản của ông Quyết giảm 1.426 tỷ đồng xuống 26.558 tỷ đồng.

Ông Donald Trump bất ngờ vượt qua bà Hillary Clinton trở thành Tổng thống Mỹ khiến thị trường vàng tăng vọt, thị trường chứng khoán toàn cầu giảm sâu. Chứng khoán Việt Nam không phải ngoại lệ. Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, có thời điểm VN-Index giảm gần 20 điểm.

Chốt phiên giao dịch ngày 9/11, VN-Index “chỉ” còn giảm 6,2 điểm, tương ứng 0,92%, xuống 670,26 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 6,59 điểm, tương ứng 1,03% xuống 635,42 điểm.

Nhóm blue-chip giảm mạnh hơn toàn thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc nhóm đại gia chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, tỷ phú đô la thứ 2 của Việt chịu thiệt hại nặng nề nhất khi cả 2 cổ phiếu do ông nắm giữ đều giảm sâu.

Cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần xây dựng Faros giảm 5.100 đồng xuống 95.000 đồng/CP. Trước đó có thời điểm ROS giảm sàn xuống 93.100 đồng/CP. Giá trị cổ phiếu ROS của ông Quyết giảm 1.426 tỷ đồng xuống 26.558 tỷ đồng.

Tỷ phú USD thứ 2 Việt Nam mất 1.400 tỷ đồng  trong ngày bầu cử Tổng thống Mỹ

Cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC giảm 320 đồng xuống 6.300 đồng/CP. Giá trị cổ phiếu FLC của ông Quyết giảm 35 tỷ đồng xuống 686 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ, tỷ phú đô la thứ 2 của Việt Nam mất 1.461 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Ngọc Diệp, cổ đông lớn của ROS cũng chứng kiến khối tài sản giảm khá mạnh.

Tài sản trên thị trường chứng khoán của vợ ông Trịnh Văn Quyết “bốc hơi” 103 tỷ đồng. Hiện tại, với khối tài sản trị giá hơn 2.000 tỷ đồng, bà Diệp vượt qua hàng loạt đại gia khác để trở thành người giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát cũng có tên trong danh sách các tỷ phú Việt Nam mất mát nhiều nhất trong phiên 9/11, sau khi cổ phiếu HPG giảm 550 đồng/CP xuống 40.950 đồng/CP.

HPG “thổi bay” 101 tỷ đồng khỏi khối tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Long. Ông Long sẽ thiệt hại nặng nề hơn nếu tính cả lượng cổ phiếu của bà Vũ Thị Hiền, vợ ông. Hôm nay, lượng cổ phiếu đó giảm 29 tỷ đồng.

Trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cùng chung cảnh ngộ, khi cổ phiếu VHC giảm 900 đồng/CP xuống 52.300 đồng/CP. VHC khiến tài sản của bà Khanh giảm 41 tỷ đồng.

Hôm nay vẫn có đại gia “vượt sóng” thành công. Đó là ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thế giới Di động và ông Trần Lê Quân, thành viên Hội đồng quản trị công ty này. Ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) và Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) cũng là đại gia không bị mất mác..

Cụ thể, đóng cửa phiên 9/11, MWG tăng 800 đồng/CP lên 155.000 đồng/CP. MWG giúp ông Nguyễn Đức Tài có thêm 3 tỷ đồng.

Trong khi đó, TCH tăng 300 đồng/CP lên 23.850 đồng/CP. TCH giúp giá trị cổ phiếu do ông Đỗ Hữu Hạ sở hữu tăng 33 tỷ đồng. Cổ phiếu HHS giảm nhẹ nhưng do số lượng cổ phiếu HHS của ông Hạ không lớn nên tính chung, ông Hạ vẫn được chứng kiến khối tài sản tăng trưởng nhẹ.

Bảo Linh
Theo VTC