Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tại thời điểm cuối tháng 9, vốn huy động tăng 14,5% so với đầu năm lên 573.153 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng 7,8% so với đầu năm và chiếm 26,4% tổng vốn huy động. Tiền gửi có kỳ hạn tăng 16,8% so với đầu năm và đóng góp 72,1% tổng vốn huy động.
Ở chiều ngược lại, dư nợ tín dụng của Vietcombank tăng 15,7% so với đầu năm lên 447.883 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lượng tiền gửi vẫn áp đảo hơn so với lượng tiền huy động (573.153 tỷ đồng so với 447.883 tỷ đồng), điều này lý giải vì sao Vietcombank không quá chú trọng đến việc thu hút tiền gửi thông qua mức lãi suất luôn thấp hơn thị trường từ 0,5%-1% trong thời gian qua.
Trao đổi với PV Infonet, một cán bộ ngân hàng này cho biết, do lượng tiền mặt đang dư thừa nên ngân hàng chú trọng hơn việc tìm kiếm khách hàng cho vay, nhất là những khách hàng lớn, có lịch sử tín dụng tốt, kỳ hạn vay dài. “Những khách hàng này thường được chúng tôi chăm sóc đặc biệt hơn so với khách hàng gửi tiền vào,” vị đại diện này cho biết.
Ảnh minh họa
Thực tế này cũng được xác thực qua Báo cáo tài chính của Vietcombank cho thấy, dư nợ cho vay kỳ hạn ngắn tăng 13% so với đầu năm lên 369.036 tỷ đồng; dư nợ cho vay trung hạn tăng 15,3% so với đầu năm lên 50.548 tỷ đồng; dư nợ cho vay kỳ hạn dài tăng 21,4% so với đầu năm lên 137.289 tỷ đồng.
Vietcombank không đưa ra thông tin chi tiết hơn về cơ cấu cho vay trên báo cáo tài chính chưa kiểm toán. Tuy nhiên ngân hàng cho biết đến cuối tháng 9, cho vay cá nhân chiếm 23% tổng dư nợ cho vay, tăng 32% so với đầu năm lên khoảng 103 nghìn tỷ đồng.
Tương tự, báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BDIV) cho thấy tăng trưởng vốn huy động khách hàng trở nên áp đảo so với cho vay khách hàng.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 9/2016, cho vay khách hàng của BIDV tăng 12,83% so với đầu năm, lên 675 nghìn tỷ đồng.
Tăng trưởng cho vay khách hàng trong quý 3 có phần chậm lại khi thời điểm cuối tháng 6 tăng 9,88% so với đầu năm. BIDV lý giải nguyên nhân là do hệ số an toàn vốn (CAR) đã ở mức rất thấp, xấp xỉ 9%.
Cho vay kỳ hạn ngắn tăng 8,30% so với đầu năm và đạt 369 nghìn tỷ đồng; cho vay trung dài hạn tăng 18,81% so với đầu năm và đạt 306 nghìn tỷ đồng, đây cũng là xu hướng chung của các ngân hàng lớn. Cho vay tiền đồng tăng 13,92% so với đầu năm và đạt 610 nghìn tỷ đồng, bằng 90,37% tổng dư nợ cho vay.
Trong khi đó, vốn huy động khách hàng 9 tháng đầu năm của BIDV tăng mạnh 25,74% so với đầu năm lên 709 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tăng trưởng huy động trong quý 3 giảm đáng kể khi tại thời điểm cuối tháng 6, vốn huy động khách hàng đã tăng 22,71% so với đầu năm.
Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng 4,73% so với đầu năm, lên 113 nghìn tỷ đồng, và tiền gửi có kỳ hạn tăng 30,70% so với đầu năm, lên 596 nghìn tỷ đồng. Vốn huy động tiền đồng tăng mạnh 29,96% so với đầu năm lên 673 nghìn tỷ đồng và bằng 94,92% tổng vốn huy động khách hàng. Vốn huy động USD giảm mạnh 21,73% so với đầu năm xuống còn 36 nghìn tỷ đồng; bằng 5,07% tổng vốn huy động khách hàng.
Mặc dù vậy, khác với hai ngân hàng trên, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) mặc dù có tốc độ huy động vốn tăng trưởng khá mạnh 27% trong 9 tháng đầu năm, nhưng huy động đến đâu ngân hàng cho vay hết đến đó, cả hai chỉ tiêu huy động và cho vay đều đạt 625 nghìn tỷ đồng.
Sau khi chỉ tăng nhẹ 2,8% so với đầu năm vào cuối quý 1, tín dụng của Vietinbank đã tăng tốc dần trong quý 2 và quý 3. Tổng dư nợ tại thời điểm cuối tháng 9 đạt 625.406,8 tỷ đồng, tăng 16,2% so với đầu năm. Tuy nhiên, báo cáo tài chính chưa được kiểm toán của Vietinbank không có thông tin về cơ cấu dư nợ.
Ở chiều ngược lại, vốn huy động khách hàng 9 tháng đầu năm tăng 26,9% so với đầu năm, đạt 625.486 tỷ đồng. Vietinbank tiếp tục để tăng trưởng huy động vượt tăng trưởng tín dụng trong quý 3 nhằm cải thiện thanh khoản. Theo đó, vốn huy động quý 2 tăng 14,5% so với quý 1, và quý 3 tăng 8,5% so với quý 2.
Kể từ đầu quý 2, Vietinbank đã tăng lãi suất huy động thêm 0,2-0,6%, chủ yếu đối với kỳ hạn trên 6 tháng để thu hút người gửi tiền. Kết quả khảo sát cho thấy, lãi suất huy động của Vietinbank ngang bằng với lãi suất của BIDV và cao hơn nhiều so với VCB, thậm chí còn cao hơn lãi suất của một số NHTMCP như ACB và Eximbank…
Vietinbank đã duy trì mặt bằng lãi suất cao đến cuối quý 3 khi 3 ngân hàng quốc doanh đồng thời thông báo giảm lãi suất từ 0,3-0,5% vào cuối tháng 9. Hiện tại lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng của nhóm 3 ngân hàng này tương đương nhau; tuy nhiên đối với kỳ hạn 12 tháng lãi suất của Vietinbank vẫn cao hơn 0,3% so với Vietcombank, còn BIDV cao hơn 0,4% so với Vietcombank.
Cũng theo báo cáo tài chính của Vietinbank, tiền gửi không kỳ hạn tăng 11% so với đầu năm, trong khi tiền gửi có kỳ hạn tăng 30,4% so với đầu năm. Tiền gửi không kỳ hạn chiếm 12,7% tổng vốn huy động, thấp hơn mức 14,5% tại thời điểm cuối 2015.
Trong khi đó tỷ lệ này ở Ngân hàng Quân đội là 29%, ở Vietcombank là 26% còn BIDV là 16%. Như vậy, có vẻ Vietinbank đang không có lợi thế về mặt chi phí huy động so với các ngân hàng khác.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - với 10 đồng huy động được, nhưng không ngân hàng nào có thể cho vay cả 10 đồng mà phải giữ lại 2 đồng để trích lập dự phòng, các ngân hàng chỉ có thể cho vay 8 đồng từ 10 đồng huy động, do vậy mà chi phí huy động cũng là một gánh nặng đối với các ngân hàng.
Đối với Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), cho vay khách hàng 9 tháng đầu năm đã tăng 20% so với đầu năm và đạt 145,6 nghìn tỷ đồng; vốn huy động khách hàng tăng 2,9% so với đầu năm và đạt 186,8 nghìn tỷ đồng.
Ở mức khiêm tốn hơn, tăng trưởng cho vay khách hàng 9 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là 19,23% so với đầu năm đạt, 159 nghìn tỷ đồng và tăng trưởng huy động khách hàng là 15,13% so với đầu năm đạt 201 nghìn tỷ đồng.