Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:59
RSS

Sức khoẻ lễ tân khách sạn ở Yên Bái và các chuyên gia Ấn Độ mắc COVID-19 hiện ra sao?

Thứ tư, 28/04/2021, 14:13 (GMT+7)

Hình ảnh chụp Xquang phổi cho thấy có bệnh nhân có tổn thương kính mờ tuy nhiên chưa có bệnh nhân nào phải thở máy hay thở oxy.

Sự kiện:
Covid-19

Đoàn chuyên gia gồm 11 người Ấn Độ nhập cảnh vào Việt Nam cách ly tại Yên Bái đã ghi nhận 4 người mắc COVID-19, ngoài ra có 1 nhân viên lễ tân khách sạn nơi cách ly bị lây nhiễm. 7 chuyên gia còn lại và 1 cán bộ y tế người Việt Nam đang được cách ly nghiêm ngặt.

Cập nhật mới nhất sáng 28/4, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn làm Trưởng đoàn đã tới Yên Bái kiểm tra công tác phòng chống và cách ly phòng dịch COVID-19.

Sáng 28/4, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19. Ông Kính là nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

- Thưa GS, tình hình sức khoẻ của 4 chuyên gia Ấn Độ và nhân viên khách sạn ở Yên Bái hiện ra sao?

4 bệnh nhân là chuyên gia Ấn Độ và nhân viên khách sạn này đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Sức khoẻ ổn định, biểu hiện lâm sàng chưa thấy rõ sự khác biệt so với các bệnh nhân COVID-19 thông thường khác.

Các bệnh nhân có sốt cao 38,5 độ C, đến ngày thứ 4 đã ổn định sức khỏe Các bác sĩ tại đây đang theo dõi sát đề phòng các diễn biến bất thường. Hình ảnh chụp Xquang phổi cho thấy có bệnh nhân có tổn thương kính mờ tuy nhiên chưa có bệnh nhân nào phải thở máy hay thở oxy.

Sức khoẻ lễ tân khách sạn ở Yên Bái và các chuyên gia Ấn Độ mắc COVID-19 hiện ra sao?

GS.TS Nguyễn Văn Kính

- Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang giải trình tự gene nhóm bệnh nhân COVID-19 nhập cảnh từ Ấn Độ. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có thực hiện việc này hay không?

Muốn xác định bệnh nhân mắc biến chủng SARS-CoV-2 nào thì phải qua giải trình tự gene. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đang triển khai công tác này để xem biến chủng họ mắc phải là B1.17 (từ Anh) hay chủng kép (B1.617 từ Ấn Độ) để tăng cường phòng vệ và có thông tin đầy đủ cho cán bộ y tế tập trung điều trị.

- Liên quan tới biến chủng kép B1.617 đang nhận được sự quan tâm của các nước, đã có đánh giá về tốc độ lây nhiễm và độc lực của biến chủng này hay chưa?

Virus luôn biến chủng nhưng quan trọng là chủng mới đó có tạo ra nguy cơ cho cộng đồng hay không. Tại Anh đã ghi nhận tới hơn 4.000 biến chủng SARS-CoV-2 nhưng chỉ có một số chủng có tác động đến sự lây lan và độc lực.

Cả thế giới đang chú ý đến biến chủng kép là B1.617 (biến chủng đầu tiên của nó là B1.17 từ Anh thấy rõ mức độ lan tràn rất nhanh, tăng cao hơn 70% so với chủng ban đầu). Với chủng kép này, mức độ còn nhanh hơn nữa nhưng chưa có số liệu thông kê cụ thể. Đã có sự lây lan của chủng này sang nước khác.

Có nhiều lý do gây ra tình trạng số ca tử vong ở Ấn Độ rất cao, trong đó có lý do được các nhà khoa học nghiên cứu là có phải do độc lực của chủng mới nặng nề, nguy hiểm hơn hay không.

Nhiều ý kiến cho rằng phải vài ngày nữa Ấn Độ mới đạt đỉnh số tử vong, hiện mỗi ngày Ấn Độ có hơn 2.000 ca tử vong nhưng khi đạt đỉnh, con số này có thể lên tới 13.000/ngày. Đó là thảm kịch.

Có nghiên cứu nào cho thấy một người sau khi đã mắc COVID-19 với chủng này lại tái nhiễm chủng khác hay không?

- Trên thế giới đã ghi nhận một số trường hợp ở Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ sau khi đã khỏi COVID-19, đi du lịch tới vùng khác, quay về lại có bệnh cảnh lâm sàng COVID-19, xét nghiệm ra chủng mới. Số đó không nhiều nhưng đã có khẳng định có tái nhiễm chủng mới (giống như mắc sốt xuất huyết đã mắc chủng D1 vẫn có thể mắc các chủng còn lại - PV).

Sức khoẻ lễ tân khách sạn ở Yên Bái và các chuyên gia Ấn Độ mắc COVID-19 hiện ra sao?

Việt Nam luôn "đón đầu" trong điều trị COVID-19, không đợi bệnh nhân nặng mới điều trị.

- Vaccine có theo kịp biến chủng SARS-CoV-2 hay không khi có những người (ở nước ngoài như Ấn Độ) đã tiêm 2 mũi vẫn mắc COVID-19?

- Không có vaccine nào có khả năng bảo vệ 100%. Tỷ lệ hơn 90% là lý tưởng rồi vì theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ cần đạt trên 50% thì vaccine đó đã có thể sử dụng.

Hiện nay các vaccine đang được WHO khuyến cáo, Mỹ cấp phép sử dụng đều có hiệu quả từ 81-97% (như vaccine Spudnik V của Nga có hiệu quả 97% theo công bố của nhà sản xuất).

Những vaccine này có trung hoà hay ngăn chặn được hết biến thể của virus SARS-CoV-2 hay không là câu hỏi lớn cho ngành vaccine để theo dõi. Một số nhà nghiên cứu cho rằng với biến thể nhanh chóng của virus có thể dẫn đến chống lại vacicne ban đầu. Giống như cúm mỗi năm lại phải bổ sung một vaccine chống lại chủng mới.

Vì sao trường hợp tiêm rồi như Ấn Độ mà dịch vẫn bùng nổ? Nó liên quan đến miễn dịch cộng đồng. Như Ấn Độ với 1,3 tỷ dân nhưng mới tiêm vaccine cho 130 triệu người tức là 10% dân số. Muốn có miễn dịch cộng đồng do tiêm vacicne thì ít nhất 2/3 dân số (tức 70%) phải được tiêm đầy đủ các mũi mới gọi là ngăn cản được dịch.

Đóng góp của vaccine trong phòng chống COVID-19 là điều được khẳng định. Tuy nhiên đây là công cụ hữu ích bổ sung để ngăn chặn dịch. Hiện nguồn cung vaccine vẫn thiếu và chúng ta chưa tiêm trên diện rộng được. Việt Nam có 100 triệu dân, mới chỉ có 260.000 người tiêm mũi ban đầu (theo khuyến cáo mỗi người phải tiêm đủ 2 mũi).

Chiến lược 5K + vaccine vẫn phải duy trì. Trong đó, đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người là điều rất quan trọng. Lý do bởi virus SARS-CoV-2 được khẳng định lây trực tiếp từ người sang người chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp và qua đường tiếp xúc. Virus SARS-CoV-2 cũng có khả năng lây truyền qua đường khí dung (aerosol), đặc biệt tại các cơ sở y tế, những nơi đông người và ở không gian kín.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Võ Thu
Theo GiadinhNet