Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:17
RSS

Sự kiện kinh doanh hot nhất tuần: Ông Đặng Thành Tâm tan giấc mơ còn Cường Đô La thu bộn

Thứ năm, 29/06/2017, 07:00 (GMT+7)

Trong tuần qua, hết cảnh hai đại gia phố núi gặp tin vui khi cổ phiếu tăng giá đến đại gia Đặng Thành Tâm tan vỡ giấc mộng khiến giới kinh doanh "đứng ngồi không yên".

Sự kiện kinh doanh: Ông Đặng Thành Tâm và giấc mơ tòa tháp 80 tầng tan vỡ

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thì tổng công ty cổ phần phát triển đô thị Kinh Bắc đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trị giá 1.500 tỷ đồng, chiếm 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen.

Quyết định này đưa ra chỉ sau 1 tháng KBC tăng vốn điều lệ Công ty Hoa Sen từ mức hơn 145 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng.

Ông Đặng Thành Tâm

Ông Đặng Thành Tâm từ bỏ giấc mơ tòa tháp 80 tầng. Ảnh: Dân trí

Ông Đặng Thành Tâm - ông trùm bất động sản công nghiệp tại Việt Nam từng mong muốn xây dựng tháp bông lúa mang đẳng cấp quốc tế với diện tích 4,2 ha nằm sát bên cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Tuy nhiên, giấc mơ này của ông Đặng Thành Tâm lại gặp nhiều khó khăn bởi liên quan đến vấn đề pháp lý. Các doanh nghiệp của ông Tâm cũng lao đao vì nợ nần khiến ông Tâm tuyên bố không thể tiếp tục xây ước mơ của mình và có thể hợp tác hoặc chuyển nhượng cho một tập đoàn BĐS lớn trong nước. Ông Tâm sau đó đã quay lại tập trung vào thế mạnh bất động sản công nghiệp của mình.

Khởi tố ông Vũ Đình Duy và 4 cựu lãnh đạo PVTex

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án Nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may (Vinatex) thỏa thuận hợp tác với vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng.

Sau khi được bàn giao cho đến nay, dự án này hoạt động, sản xuất không hiệu quả, hiện đã thua lỗ hơn 1.400 tỷ đồng và dừng vận hành từ tháng 9/2015.

Ông Vũ Đình Duy

Ông Vũ Đình Duy và 4 cự lãnh đạo của PVTex bị khởi tố. Ảnh: Vnexpress

Những sai phạm liên quan việc cố ý làm trái, buông lỏng quản lý, phê duyệt những gói thầu sai quy định và thay đổi nguồn gốc nhiều thiết bị quan trọng của ông Vũ Đình Duy và HĐQT Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) đã khiến dự án đầu tư tới 7.000 tỷ đồng phải đắp chiếu nhiều năm sau đó.

Danh sách những sếp dầu khí bị khởi tố, bắt tạm giam tiếp tục được nối dài. Hàng loạt sếp lớn, nhỏ thuộc ngành dầu khí đã bị cơ quan bảo vệ pháp luật truy trách nhiệm trong những dự án nghìn tỷ thua lỗ, đắp chiếu.

Khách sạn Nghệ An "ăn nên làm ra" sau khi về tay "đại gia điếu cày"

Năm 2007, Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp quản từ UBND Nghệ An hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phân bón và dịch vụ khách sạn.

Tuy nhiên, năm 2011, khi PVN trở thành cổ đông chiến lược tại OceanBank, toàn bộ vốn tại Phương Đông được chuyển giao cho OceanGroup, một tập đoàn chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng... 

Đại gia Lê Thanh Thản

Đại gia điếu cày Lê Thanh Thản. Ảnh: Vietnamnet

Giai đoạn từ 2012 - 2014 doanh thu của Phương Đông giảm mạnh. Tuy nhiên, sau khi về tay "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản hồi giữa năm 2015, kết quả kinh doanh của Công ty CP Du lịch Dầu khí Phương Đông (đơn vị sở hữu Khách sạn Phương Đông - nay là Mường Thanh Grand Phương Đông và Mường Thanh Grand Cửa Đông) liên tục khởi sắc.

Chỉ trong quý I/2017, công ty này đã ghi nhận mức lãi trước thuế 4,27 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lỗ gần 220 triệu đồng. Kết quả lãi sau thuế ghi nhận đạt 3,47 tỷ đồng. Con số này còn cao hơn mức lãi của nhiều năm trước đó (chẳng hạn như năm 2015 chỉ lãi 800 triệu đồng, năm 2014 lãi 3 tỷ đồng, năm 2011 lãi 3 tỷ đồng).

Bầu Đức dự thu hơn 1.000 tỷ đồng nhờ chanh dây trong năm nay

Từ đầu năm 2016, HAGL đã tham gia vào dự án trồng chanh dây và bắt đầu có nguồn thu vào cuối năm 2016. Trong 2017, tập đoàn này  thu được 1.055 tỷ đồng vượt qua cả doanh thu của cao su và bằng với doanh thu bất động sản tại Myanmar.

Theo kế hoạch 2017, mảng kinh doanh cây ăn quả sẽ đóng góp rất lớn vào cơ cấu doanh thu của HAGL. Cụ thể: chanh dây dự kiến thu được 56.250 tấn góp phần mang lại doanh thu khoảng 1.055 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 437 tỷ đồng; thanh long thu được 17.000 tấn góp phần mang lại doanh thu khoảng 680 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 303 tỷ đồng; chuối thu được 50.000 tấn góp phần mang lại doanh thu khoảng 843 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 354 tỷ đồng.

Bầu Đức

Bầu Đức thu bộn nhờ trồng chanh dây. Ảnh: CafeF

Bầu Đức cũng đưa ra lời khẳng định, kể từ năm 2017 khả năng tạo ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của ngành nông nghiệp sẽ được cải thiện tốt hơn so với các năm trước.

“Có lý do để tin tưởng triển vọng này, bởi vì HAGL đã vượt qua giai đoạn khó khăn và thách thức nhất, khi mà thị trường hàng hóa nói chung và cao su nói riêng suy giảm và duy trì ở mức giá thấp trong thời gian rất dài”, ông Đức lạc quan cho biết.

Cường Đô La thoát hiểm ngoạn mục và thu bộn hàng ngàn tỷ đồng

Sau một khoảng thời gian "tối tắm" cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng giá trong thời gian tới. Điều đáng nói ở đây là trong hai phiên tòa gần đây chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam (VN-Index) lại giảm điểm. Phiên này, VN-Index giảm 1,11 điểm tương ứng giảm 0,14% xuống 766,3 điểm.

Với mức thị giá hiện tại, cổ phiếu QCG đã tăng giá 537% so với thời điểm 3 tháng trước, đồng thời tăng 498% so với 1 năm trước.

Cường Đô La

Cổ phiếu tăng giúp Cường Đô La "thoát hiểm" từ những khoản nợ. Ảnh: Yeah1

Cổ phiếu QCG của gia đình “đại gia phố núi” Gia Lai – doanh nhân Quốc Cường tăng giá mạnh mẽ trong suốt thời gian qua nhờ thông tin dòng tiền khả quan với việc chuyển nhượng toàn bộ dự án tâm huyết là Phước Kiển cho CTCP Đầu tư Sunny Island và đã nhận tạm ứng từ đối tác này 50 triệu USD.

Với khoản tiền này, QCG đã “thoát hiểm” ngoạn mục trước hàng loạt khoản nợ đến hạn trả trong giai đoạn đầu năm 2017.

Cụ thể, đến 31/3/2017, QCG đã thanh toán xong toàn bộ nợ gốc hơn 1.376 tỷ đồng cho BIDV và thanh toán lãi vay phải trả gần 252 tỷ đồng như đã cam kết để có thể giảm lãi tiền vay trên 237 tỷ đồng.

Nguyễn Quỳnh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN