Tại Bình định, có đến 30 trẻ nhập viện do phản ứng sau tiêm chủng vắc xin ComBe Five (Ảnh minh hoạ)
30 trẻ nhập viện sau tiêm vắc xin ComBE Five
Ngày 31/12, ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định thông tin, trong đợt tiêm chủng vắc xin ComBE Five cho trẻ trên địa bàn tỉnh vào các ngày 25, 26, 27/12 vừa qua, có đến 30 trẻ nhập viện do phản ứng sau tiêm chủng.
“Trong 30 trẻ nhập viện do phản ứng sau khi tiêm vắc xin có 5 trẻ biểu hiện khá nặng như tím tái, khó thở, còn lại là sốt cao. Tất cả trẻ đều điều trị tại khoa Nhi BV Đa khoa tỉnh Bình Địnhvà đã xuất viện, không có biến chứng" - ông Hùng thông tin.
Được biết, đây là đợt thứ 2 ngành y tế Bình Định tiến hành tiêm chủng loại vắc xin này cho trẻ trong toàn tỉnh Bình Định theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Theo Zing news, Giám đốc Sở Y tế Bình Định cho biết, trong đợt tiêm chủng vắc xin ComBE Five đầu tiên hồi tháng 10/2018, có hơn 970 trẻ ở tỉnh được tiêm chủng và có đến đến hơn 50 trẻ phải nhập viện, trong đó ba trường hợp phản ứng rất nặng. Sau đó, Sở Y tế Bình Định báo cáo, xin ý kiến Bộ Y tế tạm ngừng tiêm chờ chỉ đạo của Bộ.
Sau khi kiểm tra, Bộ Y tế chỉ đạo tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc xin ComBE Five trên địa bàn tỉnh Bình Định. “Trong đợt thứ 2 tiêm chủng vắc xin ComBE Five được chuẩn bị rất kỹ. Các trường hợp có phản ứng, có biểu hiện khác thường đều nhập viện để theo dõi, điều trị, xử lý kịp thời. Do đó đợt này không có ca nặng như hồi tháng 10/2018” - ông Hùng nói thêm.
Nguyên nhân khiến trẻ nhập viện sau khi tiêm vắc xin ComBE Five
Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Lê Quang Hùng cho biết thêm, so với loại vắc xin trước đó thì tiêm vắc xin ComBE Five số trẻ bị sốt cao nhiều hơn.
"Những ca nặng được nhận định là do phản ứng với vắc xin chứ không phải sốc phản vệ. Còn những ca khác thì sốt thông thường, bởi khi tiêm vắc xin là đưa kháng nguyên vào, cơ thể tạo kháng thể chống lại kháng nguyên đó nên gây sốt.
Tùy cơ địa từng bé mà có bé sốt nhẹ, có bé sốt nặng, cũng có bé bị sốt cao gây co giật. Trẻ tiêm vắc xin xong thường bị sốt, điều đó cũng không nên quá lo lắng", ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết điều lưu ý đặc biệt là vắc xin ComBE Five thường gây sốt muộn cho trẻ, khoảng 2-3 giờ sau khi tiêm, trong khi quy định trước nay là nếu trong vòng 30 phút sau tiêm mà trẻ không có phản ứng gì khác thường thì được cho là an toàn.
Do vậy, cha mẹ cần quan sát, theo dõi trẻ sau khi tiêm vắc xin này. Nếu bé sốt cao, có biểu hiện bất thường thì nên đưa ngay đến bệnh viện để điều trị.
Vắc xin ComBe Five là loại vắc xin 5 trong 1 mới của Ấn Độ phòng ngừa 5 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Ngày 31/12, theo thông báo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện đã có 12 tỉnh triển khai tiêm vắc xin ComBe Five, gồm: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An. Đã có tổng số gần 70.000 trẻ được tiêm vắc xin này.
Cục Y tế dự phòng thống kê báo cáo của các địa phương cho biết các phản ứng thông thường của trẻ sau tiêm là sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...
Ngoài ra, có một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài được ghi nhận ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, chiếm tỷ lệ khoảng 0,05% - 5,5%. Các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Riêng tại Nam Định, có hai trường hợp trẻ tử vong tại nhà sau tiêm chủng từ 36-48 giờ. Sở Y tế Nam định đã điều tra nguyên nhân và họp Hội đồng Tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân. Hội đồng đã có kết luận hai trường hợp trẻ tử vong sau tiêm chủng không nghĩ đến phản ứng phản vệ nặng sau tiêm vắc xin, không liên quan đến thực hành tiêm chủng và Hội đồng tư vấn chuyên môn xác định trẻ tử vong chưa rõ nguyên nhân.
Vắc xin ComBE Five là loại vắc xin 5 trong 1 mới của Ấn Độ phòng ngừa 5 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bạch hầu ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib, thay thế cho văcxin 5 trong 1 Quinvaxem của Hàn Quốc đã ngưng sản xuất.
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, các địa phương trong cả nước sẽ triển khai tiêm vắc xin ComBE Five vào ngày tiêm chủng thường xuyên trong tháng 1/2019.
Xem video: 5 bước cần làm ngay khi con bị sốc phản vệ sau tiêm vắc xin