Thứ năm, 25/04/2024 | 18:15
RSS

Sợ đến bệnh viện mùa dịch Covid-19, 2 bệnh nhi suýt chết vì vỡ ruột thừa

Thứ năm, 23/04/2020, 09:58 (GMT+7)

Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận 2 trường hợp nhập viện vì ruột thừa hoại tử đã bị vỡ ngay khi cấp cứu.

Sợ dịch Covid-19, 2 bệnh nhi suýt chết vì vỡ ruột thừa
Sợ dịch covid-19 2 bệnh nhi suýt chết vì vỡ ruột thừa. Ảnh Dân Trí.

Theo Báo Dân Trí đưa tin, Ngày 22/4, BS Trần Quang Dư, khoa Hồi sức Ngoại, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, tại đây vừa cấp cứu 2 trường hợp trong tình trạng nguy kịch do viêm ruột thừa  

Trường hợp thứ nhất là bé Nguyễn Đăng K. (6 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng sốc, rối loạn tri giác, mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm thấp, nguy hiểm đến tính mạng.

Qua điều tra tiền sử bệnh của bệnh nhân, cho thấy 3 ngày trước bé có biểu hiện đau bụng vùng quanh rốn. Người nhà nghĩ rằng bé bị rối loạn tiêu hóa nên có mua thuốc cho bé uống nhưng không giảm. Nhưng vì sợ dịch Covid-19 nên không dám đưa con đi bệnh viện. Tuy nhiên, khi bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi và vã mồ hôi quá nhiều, gia đình mới đưa con đi cấp cứu. 

Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã điều trị chống sốc tích cực cho trẻ, đồng thời hội chẩn nhanh và quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật cấp cứu. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân có biểu hiện sức khỏe ổn định.

Trường hợp thứ hai cũng vào viện trong tình trang nguy kịch, bé Cao Mạnh H. (9 tuổi, ngụ tại quận 12, TPHCM). Bệnh nhi được bệnh viện địa phương chuyển viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, nói sảng. Tại Nhi Đồng 1, qua khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người nhà ghi nhận, 2 ngày trước khi vào viện, bệnh nhi có biểu hiện đau bụng, người nhà đã tự ý mua thuốc vì sợ đến viện vì sợ dịch bệnh Covid-19. Khi bé không có dấu hiệu khỏi bệnh, người nhà mới đưa bé vào cấp cứu tại Bệnh viện quận 12 rồi chuyển Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Qua thăm khám, các bác sỹ đã chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phúc mạc ruột thừa. Sau đó, bác sỹ đã thực hiện phẫu thuật cấp cứu cắt ruột thừa và điều trị thoát khỏi cơn nguy kịch. 2 ngày sau cuộc mổ, tình trạng bé đã dần hồi phục.

Trước đó, theo thông tin từ vtv.vn, qua tìm hiểu, do người nhà có tâm lý e ngại đến bệnh viện nên các bé có triệu chứng tương đối rõ ràng nhưng vẫn được điều trị tại nhà bằng cách tự mua thuốc cho trẻ uống. Từ đó, dẫn đến khi trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, khiến việc phẫu thuật và hồi sức trước và sau mổ gặp nhiều khó khăn, chưa kể đến vấn đề nhiễm trùng, dính ruột đều có nguy cơ tăng cao sau mổ.

Ngay tại Bệnh viện Nhi đồng 2, nếu trước đây lượng bệnh đến khám dao động từ 7.000 đến 8.000 ca/ngày thì nay giảm chỉ còn trên dưới 1.000 ca/ngày. Tuy nhiên, dù lượng bệnh giảm nhưng theo báo cáo số liệu của bệnh viện, các bệnh ngoại khoa không giảm mà tăng nhẹ. Trong đó, xuất hiện nhiều trường hợp nhập viện trễ, nặng, đặc biệt là bệnh lý viêm ruột thừa.

Vtv.vn dẫn lời TS.BS Phạm Ngọc Thạch khuyến cáo: Mùa dịch, phụ huynh hạn chế cho trẻ ra ngoài, tụ tập nơi đông người, đến khám bệnh viện khi thật sự cần thiết. Khi trẻ có dấu hiệu bệnh nặng, sốt cao, đau bụng, li bì, nôn ói, cần tham vấn người có chuyên môn và nên đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay để được điều trị kịp thời, nhất là các trường hợp cấp cứu ngoại khoa.

Trần Ngọc (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN