Thứ sáu, 17/01/2025 | 23:26
RSS

Số ca nhiễm toàn cầu tiếp tục tăng, sắp cán mốc 19,5 triệu người

Thứ bảy, 08/08/2020, 10:54 (GMT+7)

Số ca nhiễm toàn cầu tiếp tục tăng, con số đã chuẩn bị cán mốc 19,5 triệu người, các nước tiếp tục gồng mình chống dịch.

Sự kiện:
Covid-19 Mỹ

Số ca nhiễm toàn cầu tiếp tục tăng

Số ca nhiễm toàn cầu tiếp tục tăng

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 19.499.947 ca, trong đó có 722.455 người thiệt mạng. Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 12.526.730 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 64.934 ca và 6.250.762 ca đang điều trị tích cực.

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới có Ấn Độ (61.455 ca), Mỹ (54.547 ca) và Brazil (44.880 ca); trong khi đó Mỹ (1.076 ca) và Ấn Độ (940 ca) và Brazil (928 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Châu Mỹ hiện là tâm dịch nghiêm trọng nhất thế giới. Khu vực Mỹ Latinh trở thành khu vực ghi nhận số ca tử vong do covid-19 cao nhất, chiếm gần 30% số ca tử vong trên thế giới. Dịch đang lây lan mạnh tại các nước như Colombia, Peru, Argentina và Bolivia. Hiện số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại Mỹ Latinh tiếp tục tăng mạnh sau khi nhiều chính phủ nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát và phong tỏa nhằm vực dậy nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 5.036.079 ca mắc bệnh và 162.859 ca tử vong. Viện Đánh giá và tham số y tế (IHME) của Đại học Washington dự báo số ca tử vong ở nước này có thể lên tới gần 300.000 ca vào ngày 1/12, và 70.000 người sẽ được cứu sống nếu người dân chú ý đeo khẩu trang. Dự báo trên được đưa ra sau khi một cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về dịch bệnh truyền nhiễm cảnh báo các thành phố lớn ở Mỹ có thể chứng kiến số ca tăng vọt và trở thành các điểm nóng nếu giới chức địa phương lơ là với các biện pháp phòng chống dịch.

Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro đã ban hành sắc lệnh yêu cầu dành 356 triệu USD để mua và tiến tới sản xuất vaccine phòng bệnh Covid-19 đang được hãng dược phẩm AstraZeneca PLC (Anh) và các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford phối hợp phát triển. Có khả năng người dân Brazil sẽ được cung cấp vaccine vào tháng 12/2020 hoặc tháng 1/2021.

Tại châu Âu, do tình trạng bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai, nhiều nước đã áp đặt các biện pháp siết chặt mới. Anh đã tái áp đặt biện pháp cách ly đối với những người từ Bỉ, Andorra và Bahamas do số ca lây nhiễm mới gia tăng tại những khu vực này. Cụ thể, bắt đầu từ 4h ngày 8/8 (theo giờ địa phương), những người từ các khu vực nói trên nhập cảnh vào Anh phải tự cách ly trong 2 tuần.

Trong khi đó, tại nhiều quốc gia ở châu Á, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 7/8, Ấn Độ thông báo ghi nhận khoảng 2.027.000 ca mắc Covid-19 sau khi số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục trong 24 giờ qua với 62.538 ca. Tổng số ca tử vong vì căn bệnh này tại nước này là 41.585 sau khi có thêm 886 ca tử vong trong 24 giờ qua. 

Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5 năm nay. Số ca nhiễm mới tại nước này tăng sau khi chính phủ bắt đầu nới lỏng phong tỏa vào tháng 6 nhằm nối lại các hoạt động kinh tế. Trước tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan, với trên 50.000 ca mới mắc Covid-19 mỗi ngày trong vài ngày trở lại đây, các trường học vẫn tiếp tục phải đóng cửa tới cuối tháng 8 này. Hiện, Ấn Độ là nước đứng thứ 3 trên thế giới về số ca nhiễm sau Mỹ và Brazil.

Khu vực Đông Nam Á, một số nước cũng vẫn đang kiểm soát tốt dịch. 

Thanh Mai (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN