Sử trả lại nguyên vẹn chiếc ví cho chủ nhân của nó. Ảnh: FB
Nguyên văn câu chuyện như sau:
“Chàng trai dân tộc Mông, Mù Cang Chải - Yên Bái, sinh năm 2000 mới ra Hà Nội làm việc gần 1 năm (shipper) mong muốn thay đổi cuộc sống thoát nghèo.
Vào khoảng 21h hôm trước, trong lúc đi ship về đoạn đường Lạc Long Quân em vô tình nhặt được một cái ví màu đen. Em không biết của ai đã quyết định đứng đợi ngoài đường 1 tiếng bất chấp trời mưa, gió lạnh để trả lại cho người rơi mất xem có ai rơi quay lại tìm, chờ hoài không thấy em quyết định về nhà tìm kiếm thông tin trên mạng để liên lạc trả lại đồ cho người đánh rơi. Vì FB em và mấy trang MXH ít bạn ở Hà Nội nên em tìm mãi không thấy, sau đó em đã chủ động gọi lên tổng đài ngân hàng Vietcombank để xin thông tin của người đánh rơi vì biết trong ví có thẻ ATM.
Vào khoảng 8h30 sáng nay, em có gọi cho mình để xác nhận và hẹn mình 13h ở đâu qua gửi giả mình ví và giấy tờ tùy thân. Em từ Hà đông phi sang chỗ mình. Lúc gặp qua trao đổi được biết em hoàn cảnh khó khăn nhưng lại có lòng tốt đáng ngưỡng mộ. Em trả lại mình ví và toàn bộ tài sản giấy tờ, mình có gửi em chút quà em cũng từ chối quyết không nhận.
“Em nói ví của anh tất cả em bàn giao cho anh nhưng anh ơi, e, chỉ lấy 50k vì xe em hết xăng em lấy e đổ xăng rồi, còn đâu em không lấy thêm gì đâu, anh kiểm tra kỹ lại nhé, tất cả thẻ ngân hàng của anh em không động chạm gì đến, anh không tin em đưa chứng minh thư cho anh chụp có vấn đề gì anh gọi em" . Mình lặng im không biết nói thêm câu gì chỉ nói được 3 chữ: “Cảm ơn em"!
Mình thấy em ăn mặc rất phong phanh ngồi run run lạnh và mình hỏi ra được biết em từ hôm qua chưa ăn gì đã mời em đi ăn phở. Em nói: “Phở ăn thì được anh ạ chứ anh cho em tiền em quyết không lấy đâu, giúp anh thôi , ăn nhanh anh nhé, em về còn đi chạy ship tiếp ạ!”.
Về phía mình cảm thấy nghẹn lòng khi nghĩ về chàng trai tên Sử này! Đâu đó ngoài xã hội vẫn có những người họ tuy nghèo về vật chất nhưng giàu có ở tấm lòng! Xin cảm ơn em!"
Chàng shipper tốt bụng trong câu chuyện tên là Giàng A Sử, sinh năm 2000, quê ở Mù Cang Chải, Yên Bái.
Sử nói với Dân Việt, em ở Hà Nội được một năm rưỡi, buổi tối đi ship hàng còn ban ngày làm ở chỗ khác.
“Cách đây vài hôm, trên đường Lạc Long Quân, trong lúc đi ship đồ từ Tây Hồ về Hà Đông em thấy một chiếc ví đen. Em nhặt ví chờ khoảng một tiếng (lúc đó là 22h đêm) vì nghĩ sẽ có người quay lại lấy nhưng không thấy ai”, Sử kể.
Sử và chiếc xe cà tàng khi đi ship đồ. Hình ảnh chàng trai nhỏ nhắn co ro, đi dép lê trong tiết trời giá lạnh khiến ai thấy cũng động lòng. Ảnh: FB
Theo Sử, trong ví lúc đó có nhiều giấy tờ quan trọng cùng thẻ ATM và cả tiền mặt.
Biết trong ví có thẻ ATM của người đánh rơi, Sử gọi tới ngân hàng để xin thông tin từ ngân hàng rồi gọi cho người rơi ví. Chàng trai người Mông thật thà nói, em tra cách này trên… Google. Xác nhận đúng là người đánh rơi ví, hôm sau, Sử tận tay đem chiếc ví đến trao trả cho chủ nhân của nó.
“Anh ấy tên là Hiếu, ở Tây Hồ. Anh ấy có gửi em tiền hậu tạ nhưng em không nhận, em chỉ xin 50.000 đồng tiền xăng vì xe em hết xăng. Sau đó, anh ấy hỏi em đã ăn gì chưa, rồi hai anh em đi ăn phở”, Sử kể tiếp. Mấy ngày nay, Sử vẫn giữ liên lạc với chủ nhân chiếc ví.
Nói về hành động ấm áp của mình, chàng trai 19 tuổi chia sẻ: “Tiền của người khác, mình nhặt được thì trả lại nguyên vẹn cho người ta. Trước đây, trên đường đi ship đồ em cũng có hai lần nhặt được ví. Có một lần nhặt được ví của một chị ở Thanh Hóa trong ví có 30 triệu, em trả lại không lấy cảm ơn nhưng chị ấy nhất quyết gửi em 1 triệu”.
Sử không biết hành động của mình được đăng tải trên nhiều trang mạng xã hội vì em còn bận đi làm. Sử một mình xuống Hà Nội, thuê trọ cùng hai người anh khác. Trên nhiều diễn đàn, chàng trai nhỏ nhắn có khuôn mặt hiền lành gây ấn tượng với hình ảnh co ro, đi dép lê chạy xe, khi được chủ nhân chiếc ví chụp ảnh thì giơ tay chữ V đáng yêu.
Sử cho biết, chiếc xe máy cà tàng có cái yên rách rưới mà Sử chạy không phải là của em. Xuống Hà Nội, không có tiền mua xe máy, Sử mượn chiếc xe máy cũ của ông chủ ở chỗ mình làm thuê vào ban ngày để buổi tối tranh thủ đi ship đồ, kiếm thêm tiền để trang trải cuộc sống. Nhiều cư dân mạng thấy hoàn cảnh khó khăn của Sử đã ngỏ lời tặng quần áo, hay hỏi số điện thoại của Sử để đặt đơn cho em đi ship đồ.
Chuyện về chàng trai shipper tuy nghèo nhưng không tham lam được chia sẻ nhiều và nhận được sự ngưỡng mộ, cảm kích từ dư luận.
“Đâu đó ngoài xã hội vẫn có những người họ tuy nghèo về vật chất nhưng giàu có ở tấm lòng”, một Facebooker bình luận.
“Có thể nghèo kinh tế chứ không bao giờ nghèo đạo đức”, một Facebooker khác khẳng định.