Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:42
RSS

Sau vụ phát hiện xăng A92 pha tạp chất, bỏ túi cách nhận biết xăng "dỏm"

Thứ năm, 12/10/2017, 10:46 (GMT+7)

Sau vụ phát hiện xăng A92 pha tạp chất, người tiêu dùng có thể bỏ túi các nhận biết xăng "dỏm" đơn giản bằng những cách rất đơn giản.

cách nhận biết xăng dỏm, phát hiện xăng A92 pha tạp chấtLực lượng chức năng kiểm tra xe bồn tại Doanh nghiệp vi phạm 

Sự việc cơ quan chức năng phát hiện xăng A92 pha tạp chất tại Công ty TNHH Thanh Ngũ (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An) khiến dư luận hoang mang. 

Lực lượng chức năng xác định số xăng “bẩn” do doanh nghiệp này bán ra trên địa bàn tỉnh lên đến 2 triệu lít trong khoảng thời gian từ tháng 8/2017 đến nay. Lực lượng chức năng đã tạm giữ xe ô tô tải BKS 37C – 7512 đựng 40.000 lít dung môi; khoảng 20.000 lít xăng “bẩn” của hai doanh nghiệp; 3 lọ chứa chất bột tạo màu; các tài liệu, chứng từ hóa đơn sổ sách liên quan…

Mở rộng điều tra, hai doanh nghiệp nói trên bước đầu khai nhận đã bán xăng "bẩn" cho 8 đại lý, cơ sở kinh doanh xăng dầu, trong đó có 7 cửa hàng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và 1 cửa hàng ở thị xã Thái Hòa (Nghệ An).

Theo các chuyên gia về hóa học dầu mỏ, khi chế tạo động cơ, nhà chế tạo sẽ thiết kế để động cơ đó thỏa mãn một loại nguyên liệu nào đó. Hay nói cách khác, nguyên liệu nào thì dùng cho động cơ đó, không thể dùng nhiên liệu cho động cơ này để sử dụng cho động cơ khác được. Và việc dùng nhiên liệu không đúng có thể dẫn đến hiện tượng cháy nổ không đều trong động cơ và xảy ra việc rung lắc. Khi mức độ rung lắc lớn thì sẽ làm các khớp nối của động cơ bị bung ra dẫn đến nhiên liệu (có thể dạng hơi hoặc dạng lỏng) tràn ra ngoài và dẫn đến gây ra cháy, nổ.

cách nhận biết xăng dỏm, phát hiện xăng A92 pha tạp chấtDùng xăng "dỏm" có thể dẫn tới cháy, nổ xe. Ảnh minh họa.

Cũng theo các chuyên gia, muốn đánh giá chính xác nhất chất lượng xăng thông thường sẽ phải đưa mẫu xăng vào phòng thí nghiệm để phân tích. Nhưng với người tiêu dùng, việc này rất khó khăn. Tuy vậy, vẫn còn một số cách kiểm tra chất lượng xăng đơn giản. Cụ thể như sau:

- Lấy một tờ giấy trắng nhỏ lên đó vài giọt xăng rồi chờ cho xăng tự bay hơi. Nếu thấy trên mặt giấy không có vết bẩn (hoặc chỉ là vết rất nhạt) thì có thể yên tâm về chất lượng xăng mà đang dùng. Còn nếu thấy quá nhiều cặn bẩn thì xăng đó đã bị pha dầu.

- Bạn có thể yêu cầu nhân viên bán xăng nhỏ một vài giọt xăng lên đầu ngón tay để cảm nhận độ bám dính. Nếu thấy có hiện tượng bám dính (nhờn nhờn) thì đó là xăng đã bị pha dầu và không nên mua.

- Bạn có thể dùng lửa để đốt thử xăng. Để làm điều này, bạn phải ở xa khu vực cây xăng hay bình xăng. Sau đó, lấy một ít xăng và đốt. Khi tắt lửa, nếu thấy một lớp cặn như nhớt, để nguội đóng thành một lớp keo đen dẻo thì đó là xăng đã bị pha dầu.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho biết, nếu dính "xăng bẩn" mà không được xử lí ngay, xe ô tô cần được rút xăng bẩn khỏi bình nhiên liệu, xúc rửa kim phun nhiên liệu, xúc rửa bơm nhiên liệu. Các công việc này thường là không mất nhiều chi phí với bất kể hãng xe và dòng xe nào.

Ngân Hoàng (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN