Tại bang Kachin của Myanmar, đống chất thải khai thác mỏ ngọc bích vừa đổ sập xuống sáng nay, chôn vùi ít nhất 113 thợ mỏ tại khu vực này. Theo VnExpress, vụ sạt lở xảy ra khi công nhân đang tìm kiếm những mẩu đá quý trên địa hình đồi núi lởm chởm ở thị trấn Hpakant, giáp biên giới Trung Quốc
Việc đào bới trước đó đã khiến nền đất nơi đây không còn vững chắc. Và đống chất thải từ việc khai thác mỏ cao tới gần 80 mét đã đổ sụp xuống mỏ lộ thiên - nơi một hồ nước được hình thành trong những cơn mưa gần đây.
Thi thể các nạn nhân được đưa ra ngoài. Ảnh: REUTERS
Thông tin trên Tuổi trẻ, Sở Cứu hỏa Myanmar đăng trên Facebook: "Những thợ mỏ bị phủ trong đợt sóng bùn. 113 thi thể đã được tìm thấy".
Con số vẫn chưa thể dừng lại tại đó, theo dự báo, số người chết được tìm thấy tại thảm họa này có thể sẽ tăng lên ít nhất là 200 người. Được biết, đây là một trong những tai nạn tồi tệ nhất trong ngành khai thác ngọc bích nguy hiểm ở Myanmar.
Cảnh sát cho biết số người chết còn có thể cao hơn nếu nhà chức trách không cảnh báo người dân tránh xa các mỏ đã khai thác. Maung Khaing, một thợ mỏ 38 tuổi chứng kiến vụ tai nạn, cho biết anh phát hiện ra đống chất thải cao chót vót chực sụp đổ và đã chụp ảnh trong lúc mọi người bắt đầu hét lên "Chạy, chạy!".
"Trong vòng 1 phút, tất cả những người phía dưới ngọn đồi đã biến mất", Khaing nói với hãng tin Reuters qua điện thoại. "Tôi cảm thấy trống rỗng. Tôi vẫn còn nổi da gà. Có những người mắc kẹt trong bùn kêu cứu nhưng không ai có thể giúp họ".
Sạt lở đất gây chết người khá phổ biến tại các mỏ đá quý ở Hpakant - nơi được cho là quản lý kém, theo Reuters. Cũng tại khu vực này, một vụ lở đất đã cướp đi sinh mạng của 116 người vào năm 2015. Những công nhân khai thác đá quý ở đây thường đến từ các cộng đồng dân tộc nghèo khó, những người đi mót phế liệu do các công ty lớn bỏ lại.
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường vụ sạt lở mỏ ngọc bích - Ảnh: Sở cứu hỏa Myanmar.
Báo Công an nhân dân thông tin, khu vực xảy ra tai nạn là nơi có trữ lượng ngọc bích cao nhất thế giới có giá trị hàng tỷ USD. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho biết hầu hết lợi nhuận đổ vào túi cá nhân và doanh nghiệp có quan hệ với các cựu sĩ quan quân đội Myanmar.
Người dân địa phương là đối tượng chịu tổn hại vì cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát các mỏ và nguồn thu nơi đây và thảm họa này là một ví dụ điển hình. Hiện công cuộc tìm kiếm những thi thể mất tích đang được tạm dừng chờ cơn mưa lớn trên khu vực qua đi.