Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:04
RSS

Sắp chốt đăng ký nguyện vọng, nhiều thí sinh lẫn phụ huynh vẫn lên mạng hỏi 'nên học ngành gì?'

Thứ năm, 25/07/2024, 12:01 (GMT+7)

"Con em khối C00 được 27,25 điểm. Con nên học ngành gì và học trường nào thì hợp lý?", một phụ huynh lên mạng hỏi ý kiến để đăng ký nguyện vọng đại học năm 2024.

Hoang mang chọn ngành học

Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng đại học không giới hạn số lần để xét tuyển đại học năm 2024. Như vậy, chỉ còn 5 ngày nữa là kết thúc thời gian đăng ký thế nhưng thực tế vẫn có nhiều thí sinh và phụ huynh vẫn không biết nên đăng ký học ngành gì. 

Trao đổi với PV báo Dân Việt, em Nguyễn Hoài Thu, một thí sinh ở Hà Tĩnh cho hay: "Em đạt điểm thi tốt nghiệp THPT khối C00 là 28 điểm. Từ lâu em đã thích ngành Báo chí nên em dự kiến sẽ đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành này. Trong khi em đang phân vân học trường nào thì em nghe lời khuyên của mọi người ngành học này vất vả. Vì vậy em đã quyết định xét nguyện vọng vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Em không biết nên chọn ngành yêu thích hay chọn ngành học ổn định theo lời khuyên của mọi người".

Em Lê Minh Huy, quận Hà Đông, Hà Nội thì lên mạng hỏi: "Em được 23,35 khối D thì học được gì. Em phân vân quá".

Không chỉ có học sinh mà nhiều phụ huynh cũng đăng thông tin lên mạng nhờ tư vấn. Một phụ huynh giấu tên cho biết: "Con em thi khối C00 được, 27/25 điểm. Học ngành gì và học trường nào hợp lý ạ".

Sắp chốt đăng ký nguyện vọng, nhiều thí sinh lẫn phụ huynh vẫn lên mạng hỏi 'nên học ngành gì?'

Phụ huynh lo lắng về việc chọn ngành, chọn trường.

Sắp chốt đăng ký nguyện vọng, nhiều thí sinh lẫn phụ huynh vẫn lên mạng hỏi 'nên học ngành gì?'Cần sớm chuẩn bị chọn ngành nghề

Trao đổi với PV báo Dân Việt, Chuyên gia Đào Ngọc Cường cho hay: "Chỉ còn ít ngày nữa là các thí sinh chốt đăng ký nguyện vọng vào các ngành, các trường đại học. Trong khi nhiều thí sinh đã định hướng cho mình ngành nghề tương lai thì có rất nhiều phụ huynh, thí sinh vẫn đăng lên mạng để hỏi nên học ngành gì một cách rất... ngây ngô. Cuộc đời của mình, năng lực sở trường của mình, tương lai của con mình nhưng lại lên mạng hỏi thì sẽ nhận được hàng trăm câu trả lời. Như vậy thí sinh, phụ huynh đang hoang mang càng khiến cho sự hoang mang càng tăng lên. Không khác gì khi con sốt mẹ lên mạng hỏi con nên uống gì. Đến khi nhận được câu trả lời thì mẹ cũng rối mịt mù đến sốt theo con".

Sắp chốt đăng ký nguyện vọng, nhiều thí sinh lẫn phụ huynh vẫn lên mạng hỏi 'nên học ngành gì?'

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Phạm Hưng

Theo chuyên gia này: "Đây là một trong những thất bại của việc định hướng nghề nghiệp của phụ huynh, nhà trường và giáo viên. Nguyên nhân chính là thái độ của học sinh, phụ huynh chưa thực sự thấy tầm quan trọng của hướng nghiệp. Cha mẹ chấp nhận bỏ ra rất nhiều tiền cho con ăn học nhưng nhất định không chi cho việc tư vấn hướng nghiệp hoặc cùng ngồi lại với nhau tìm hiểu một cách nghiêm túc, lắng nghe. Ngoài ra, phụ huynh, thí sinh tìm đến chuyên gia tư vấn 1-1. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam các chuyên gia chuyên sâu rất ít. Đa số đều trả lời theo cảm tính khiến phụ huynh "đẽo cày giữa đường".

Việc hướng nghiệp cần dựa vào 8 tiêu chí: Tài năng, đam mê và tính cách, sứ mệnh, xã hội cần, kiếm được tiền, sức khỏe và lực học, hoàn cảnh gia đình, xu hướng xã hội của địa phương. Vậy điểm số chỉ là một trong những tiêu chí để chọn ngành chứ không phải tiêu chí quyết định. Khi chọn ngành cần cân nhắc càng sớm càng tốt chứ không để đến ngày có điểm thi mới cuống cuồng đi tìm hiểu.

Khi chọn được ngành rồi thì việc còn lại là chọn trường. Ví dụ một bạn học sinh đã chọn được ngành Quản trị kinh doanh là tốt nhất thì khi có điểm chính xác chỉ chọn xem điểm số đó vào trường nào. Thực tế những năm gần đây, thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trắc nghiệm nên hoàn thành xong bài thi đa số thí sinh đã biết điểm của mình con số tương đối. Nếu muốn biết điểm chuẩn những năm trước, thông tin các trường… chỉ cần lên mạng tra cứu là có đầy đủ thông tin".

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Một trong những căn cứ để thí sinh có thể tham khảo khi chọn ngành học là số liệu thống kê của Bộ GDĐT về các nhóm ngành được nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký những năm gần đây vì đó đều là những nhóm ngành quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bắt kịp xu hướng phát triển nói chung.

Ngược lại, với những nhóm ngành đang thiếu sức hút đối với thí sinh (như: Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội), thí sinh cũng không nên e ngại và nếu cảm thấy phù hợp với bản thân thì cứ mạnh dạn đăng ký.

"Khi chọn ngành nghề để đăng ký xét tuyển, thí sinh và gia đình nên tuân thủ một số nguyên tắc về sở thích, hứng thú, năng lực của bản thân. Chọn ngành nghề đừng chỉ dựa vào tên gọi mà phải xem bản đặc tả về ngành nghề đó phù hợp với mình hay không và những ngành nghề đó trong 5-10 năm tới sẽ có xu hướng thế nào chứ không phải chỉ dựa vào những gì mình biết ở thời điểm hiện tại…", PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Tào Nga
Theo báo Dân Việt